Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp (Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: ĐBSCL có đến 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng thuỷ sản cả nước. Do đó, hàng năm nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất khẩu của vùng là rất lớn, hàng chục triệu tấn/năm.
So sánh chi phí logistics của các nước trên GDP cho thấy, Việt Nam có chi phí logistics chiếm đến 20 - 25%. Trong khi các nước lân cận lại có chi phí này thấp hơn nhiều: Singapore 8%, Indonesia 12,7%, Malaysia 13%, Thái Lan 19%...
Trong khi đó, khu vực ĐBSCL lại có chi phí logistics cao hơn mặt bằng chung của cả nước, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phúc nêu cụ thể, nếu 1kg lúa có giá là 10.000 đồng, thì chi phí logistics đã chiếm 3.000 đồng/kg.
Giáo sư Thái Văn Minh, Trường Đại học RMIT (Úc) cho rằng: Nhu cầu nguồn nhân lực đối với lĩnh vực logistics của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay và trong tương lai là rất lớn. Trong nước, hiện có từ 35-40% các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng logistics thuê ngoài, con số này sẽ tăng lên 50-60% vào năm 2025 và đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 2,2 triệu nhân lực. Thế nên, ngay từ bây giờ việc đẩy mạnh đào tạo ngành logistics là rất cấp thiết.
Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Với tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành logistics, kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh này sẽ ngày càng lớn. Nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực logistics, đáp ứng quá trình phát triển của đất nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Năm học 2022, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị đầu tiên tại ĐBSCL tuyển sinh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (mã ngành 7510605), với hơn 80 sinh viên theo học.