Đẩy mạnh mô hình điện mặt trời áp mái tại doanh nghiệp

(ĐTTCO)- Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại các mái nhà trong thành phố, khu CN phân tán đã phần nào làm giảm áp lực lên hệ thống nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải.
Đẩy mạnh mô hình điện mặt trời áp mái tại doanh nghiệp

Vì ưu thế chủ động nguồn năng lượng phát điện, lắp đặt nhanh chóng và bảo vệ môi trường, điện mặt trời mái nhà đã được nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI cũng như các tập đoàn sản xuất lớn trong khu công nghiệp quan tâm và triển khai lắp đặt, để góp phần tiết kiệm điện và giảm phát thải ra môi trường.

Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cả nước phấn đấu mỗi năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Đến năm 2030, cả nước có 50% các tòa nhà công sở sử dụng điện mặt trời mái nhà, phục vụ tiêu thụ tại chỗ. Vì vậy, điện mặt trời áp mái không chỉ triển khai trong sản xuất mà còn được lắp để phục vụ các toà nhà văn phòng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Ba Đình, TP Hà Nội, cho biết: "Áp dụng pin mặt trời áp mái tại cơ quan, qua thống kê, chúng tôi nhận định công suất điện mặt trời 35kwh, tương đương sản sinh ra 160 số điện ngày, sẽ tiết kiệm chi phí hàng tháng 17-20%".

Tuy nhiên, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái có chi phí đầu tư ban đầu cao, vì vậy các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và nhà đầu tư cần có phương án tài chính phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: "Các doanh nghiệp cần xem đây là một hình thức đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có những cách hợp cùng các quỹ đầu tư, đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy và bán lại điện cho nhà máy với giá chiết khấu".

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn chi tiết về thủ tục, hồ sơ hoàn thiện liên quan đến thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án cũng như các cá nhân áp dụng mô hình năng lượng sạch phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Các tin khác