Đẩy nhanh tiến độ 350km cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nam Trung Bộ

(ĐTTCO)-Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2023, đoạn qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dài hơn 350km đang được tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa lũ.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa

Trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Các khó khăn về mỏ vật liệu, bãi đổ thải cơ bản được tháo gỡ, đáp ứng nhu cầu thi công từ nay đến cuối năm.

Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Ban điều hành liên doanh nhà thầu Vinaconex – Sơn Hải đang thi công đoạn qua qua thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết những khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được địa phương tháo gỡ. Tuy nhiên, một số diện tích mặt bằng vẫn chưa được bàn giao vì vướng mắc trong công tác đền bù.

“Cầu Ninh Tân 2 có 11 nhịp, Vinaconex đang vướng hộ dân của ông Nguyễn Văn Khải, cây dó bầu chưa có đền bù cây nên chưa có mặt bằng để làm. 500 mét dài, diện tích cỡ 1,5 héc ta. Còn chỗ cầu Khánh Bình có 17 nhịp đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rồi, giờ đang chờ tận thu lâm sản, giải phóng mặt bằng đoạn đó, dự kiến phải cỡ 3 tháng nữa”, ông Tân cho hay.

Thi công cao tốc Vân Phong- Nha Trang, đoạn qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần, tổng chiều dài hơn 350 km với tổng mức đầu tư hơn 70.000 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%, phần còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Các tỉnh đang xây dựng hơn 80 khu tái định cư, bố trí chỗ ở cho hơn 3.700 hộ dân, đến nay đã có gần 50 khu tái định cư hoàn thành.

Hiện, các dự án mới chỉ giải ngân khoảng 3 ngàn tỷ đồng, tương đương 6% giá trị hợp đồng, chậm hơn so với kế hoạch. Các đơn vị chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông- Vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Trên công trường đang có hơn 2.800 thiết bị máy móc cùng hơn 6000 lao động tổ chức hơn 200 mũi thi công từ đường, hầm chui đến cầu, cống trên tuyến.

“Một số đường công vụ trùng với tuyến. Đất do mỏ chưa làm được cho nên các đơn vị thi công gặp khó khăn vì thế xin đi qua đường của địa phương. Các địa phương nói đường nhỏ quá không đi được. Tỉnh cũng đã xử lý yêu cầu cam kết, các nhà thầu đều cam kết với địa phương đi và hoàn trả lại đường đó. Cầu yếu thì nâng lên. Thậm chí cổng thôn cũng đập luôn và hứa xây lại cho người ta, có thể xây tốt hơn, hoàn trả tốt hơn”, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết.

Thi công cao tốc đoạn qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

Liên quan vấn đề vật liệu, tổng nhu cầu đá cho các dự án tuyến này cần hơn 10 triệu tấn, công suất khai thác của các mỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Tổng nhu cầu đất cần khoảng 32 triệu m3, đến nay, các nhà thầu mới khai thác đất từ 13/26 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 12 triệu m3, đáp ứng khoảng 34% so với nhu cầu. Các mỏ còn lại chưa khai thác do khó khăn trong việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh… Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này có 14 điểm mỏ, đăng ký 9,8 triệu m3, chỉ còn thiếu nửa triệu mét đất đắp.

“Đáp ứng kịp thời, liên quan đến mỏ cát, nếu được thì Bình Định xin tăng công suất khai thác các mỏ hiện có. Trước đây, mình cấp chỉ cấp 2 năm, công suất rất thấp. Trữ lượng hiện vẫn còn, để khỏi phải làm lại thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp mỏ lại. Xin cho phép tăng công suất lên tối đa 50% để phục vụ cho dự án cao tốc này”, ông Giang cho hay.

Trong chuyến kiểm tra thực địa và làm việc với các tỉnh có dự án đi qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… và các nhà thầu, đơn vị thi công đã nỗ lực triển khai dự án. Liên quan các hạ tầng kỹ thuật điện, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh mời các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam di dời các hạ tầng và phải xử lý gấp, kịp thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (áo đen) tặng quà động viên nhà thầu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, vấn đề thiết kế đường cao tốc phải theo một tiêu chuẩn kỹ thuật, các nhà thầu, các cơ quan tư vấn, giám sát chịu trách nhiệm giám sát về thiết kế. Thi công các dự án cũng phải đảm bảo đến yếu tố bảo vệ môi trường.

“Chúng ta chỉ có bỏ những thủ tục nhiêu khê thôi; Phải đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường, yêu cầu về kỹ thuật; Phải kiểm tra, chịu trách nhiệm trên toàn tuyến. Tinh thần của chúng ta là phải hết sức quyết liệt và phải đẩy nhanh tiến độ nhưng đi đôi với đó là đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn về con người, lao động, môi trường. Về vật liệu xây dựng nâng công suất khai thác nhưng phải tính đến môi trường, phải giám sát môi trường”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Các tin khác