Bởi vì, khi đất nước đang rất khó khăn do dịch Covid-19, bão lũ ở miền Trung tác động đến cả nền kinh tế, đến miếng cơm manh áo của từng gia đình, nhất là gia đình nghèo. Do đó, đề xuất tăng học phí là phản cảm.
Như tin đã đưa, Bộ GD-ĐT vừa đề xuất từ năm học 2021-2022, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Mức trần của khung học phí đối với mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.
Bộ GD-ĐT cũng đề xuất học phí bậc đại học tăng 12,5%. Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước được thu học phí tối đa 2,5 lần trần học phí.
Như vậy, nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT được chấp thuận thì từ năm học tới, học phí tất cả các bậc học sẽ tăng. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm, bất bình của dư luận. Bên hành lang Quốc hội sáng 13-11, Báo SGGPO ghi nhận ý kiến một số ĐBQH.
* ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Trong thời điểm hiện nay mà Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí ở tất các bậc học là không hợp lý. Hiện dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập của toàn thể người dân, nhất là những người nghèo. Mặc dù tăng học phí không nhiều nhưng đây là vấn đề tế nhị trong bối cảnh hiện nay, bởi dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát ở Việt Nam nhưng chưa biết có quay lại không, vì thế giới vẫn rất phức tạp. Chỉ cần lọt lưới vài trường hợp nhập cảnh bị nhiễm ra cộng đồng là dịch tái phát. Toàn bộ hoạt động sản xuất của người dân hiện nay đang cầm chừng, nhiều người dân gặp khó.
Do đó, thời điểm này mà đề xuất tăng học phí là phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc. Tất nhiên, tôi đồng tình sẽ phải tăng học phí bởi mức học phí của chúng ta đang thấp, còn nhiều bất cập, nhất là khi tới đây, tự chủ giáo dục nhiều hơn, kể cả bậc phổ thông thì cũng không thể không tăng học phí.
Chế độ giáo viên hiện nay cũng chưa bảo đảm, do đó về lâu dài vẫn phải tăng học phí để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng như tôi đã nói, tăng thời điểm nào, bao nhiêu cho phù hợp thì phải tính toán. Tôi cho rằng lúc này phải dừng tăng học phí, bởi ngay cả lương cơ sở, dù chúng ta đã có kế hoạch tăng nhưng đã phải dừng vì ngân sách còn khó khăn, nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Chính phủ khó khăn thì chắc chắn người dân khó khăn, nên lúc này không thể tăng học phí, đề xuất tăng là rất phản cảm.
* ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau): Ngay sau khi có thông tin đề xuất tăng học phí, dư luận đã phản ứng rất gay gắt, đó là phản ứng đương nhiên. Bởi vì, khi đất nước đang rất khó khăn do dịch Covid-19, bão lũ ở miền Trung tác động đến cả nền kinh tế, đến miếng cơm manh áo của từng gia đình, nhất là gia đình nghèo. Do đó, tôi cho đề xuất tăng học phí là phản cảm.
Chúng ta cần tính đến cả yếu tố tích cực và tiêu cực của chính sách này, đề xuất này căn cứ vào đâu, các lĩnh vực khác không đòi tăng giá lúc này, sao Bộ GD-ĐT lại đòi tăng?
Đi liền với câu chuyện của sách giáo khoa vừa qua, tôi cho là Bộ GD-ĐT hết sức cẩn trọng trong việc đề xuất chính sách, cần nghiêm cẩn hơn trong vấn đề này. Dĩ nhiên, cũng như nhiều ý kiến khác, tôi đề nghị không tăng học phí lúc này. Ngay cả việc tăng lương đã nằm trong lộ trình mà Chính phủ vẫn phải dừng lại, cán bộ công chức nhà nước cũng phải chia sẻ với Nhà nước trong việc dừng tăng lương. Huống chi, học phí lại tác động đến từng gia đình, nhất là người nghèo.
* Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Đó mới chỉ là đề xuất của Bộ GD-ĐT nhưng tôi cho rằng vẫn phải nên cân nhắc, nên nghiên cứu lại. Trong lúc khó khăn này, tình hình dịch Covid-19 còn chưa biết chuyển biến thế nào mà chúng ta tăng học phí là không được, vì chúng ta có tăng lương đâu mà đòi tăng học phí, điều đó là mất cân đối. Trong chính sách xã hội, việc cân đối chính sách là rất quan trọng.