ĐBSCL: Các công trình giao thông trọng điểm 'chạy nước rút'

(ĐTTCO) - Còn hơn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2023. Thời điểm này, nhiều công trình giao thông trọng điểm ở miền Tây ĐBSCL đang chạy nước rút để kịp về đích trong năm, góp phần làm sáng hơn bức tranh giao thông vùng đất Chín Rồng.

ĐBSCL: Các công trình giao thông trọng điểm 'chạy nước rút'

Nỗ lực vượt khó, thi công ngày đêm

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, những ngày đầu tháng 12, tại công trường Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, rất nhiều công nhân, máy móc, vật tư… được nhà thầu tăng cường đến làm việc, thi công để kịp về đích trước ngày 31-12.

Không khí làm việc trên công trường luôn tất bật. Ban đêm, công trường vẫn sáng đèn, công nhân vận chuyển, đưa cát đá, vật tư vào trong công trình; xe lu, xe đẩy liên tục san phẳng, lằn ủi mặt đường.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), đến nay 3 gói thầu của dự án đã đạt tổng giá trị xây lắp trên 80%. Trong đó, nhà thầu đã thi công cấp phối đá dăm tuyến chính đạt 83%, thảm bê tông nhựa 45%, 15/15 cầu trên tuyến đã hoàn thành.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành thảm nhựa tuyến chính trước ngày 20-12, hoàn thành thi công hệ thống an toàn giao thông trước ngày 25-12. Để đảm bảo tiến độ đề ra, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo các nhà thầu thi công huy động đầy đủ nguồn lực (bao gồm cả nhân lực và máy móc), tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, bảo đảm hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng kế hoạch mà các nhà thầu cam kết.

“Khó khăn trong thi công hiện nay là dự án vẫn còn thiếu khoảng 92.000m³ cát để hoàn thành toàn bộ hệ thống đường gom, cầu vượt ngang. Để đảm bảo nguồn vật liệu thi công, đơn vị đang nhờ Bộ GTVT và các địa phương vùng ĐBSCL hỗ trợ”, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay.

Trước tình hình trên, ngày 29-11, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ 44.000m³ cát cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ nguồn cát 1,5 triệu m3 nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao.

Công nhân, máy móc thiết bị làm việc khẩn trương tại công trường Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Tại Cần Thơ, cầu Trần Hoàng Na (nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng) được khởi công vào tháng 9-2020 với tổng vốn đầu tư trên 790 tỷ đồng. Đây là công trình nằm trong Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án), đến nay công trình đã hoàn thành toàn bộ phần trụ, tường chắn của cầu và đã hợp long hệ thống các dầm và vòm.

“Chúng tôi đang đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để liên danh nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, tăng ca, để cầu được thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12 như kế hoạch được duyệt”, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ cho hay.

Đẩy nhanh tiến độ

Trên công trường tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau (công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau), những ngày này, công nhân cấp tập làm việc để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.

“Hiện còn 200m mặt đường và nút giao thông giáp quốc lộ 1A (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) nữa là xong công trình. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ để công trình được nghiệm thu, người dân được lưu thông, đi lại, giao thương thuận lợi trước Tết Dương lịch 2024”, một kỹ sư tại công trường cho biết. Sau 2 năm xây dựng, đến nay tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau (dài 14km, vốn đầu tư hơn 1.725 tỷ đồng) đã nên hình nên dáng.

Nút giao thông cuối tuyến tránh quốc lộ 1A, đoạn qua TP Cà Mau đang trong giai đoạn hoàn thành

Một công trình trọng điểm khác của tỉnh Cà Mau là dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhìn cây cầu nối liền đôi bờ sắp được thông xe trong tháng 12-2023, anh Nguyễn Văn Quân (nhà ở bờ Nam thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi qua lại bằng phà ít nhất 2 lần, tốn 10.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, những vất vả của tôi sẽ không còn, vì cầu sông Ông Đốc sắp đưa vào sử dụng, chúng tôi đang mong ngóng từng ngày”.

Theo Ban Quản lý dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau (chủ đầu tư), dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc khởi công tháng 10-2021, có chiều dài 1,42km (phần cầu dài 690m), vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Đây là dự án cầu lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Cà Mau đầu tư.

Dự án đường vành đai TP Tân An là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Long An. Dự án có chiều dài gần 23km, điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối giao quốc lộ 1 (phường 5, TP Tân An).

Dự án khởi công năm 2019, tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Tân An; đồng thời góp phần mở rộng cửa ngõ TPHCM, kết nối các tỉnh miền Tây và miền Đông với TPHCM. Theo Sở GTVT tỉnh Long An, dự án này đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành vào cuối năm 2023.

Tại Tiền Giang, Dự án nâng cấp, mở rộng (giai đoạn 2) kênh Chợ Gạo (tuyến giao thông thủy huyết mạch của vùng ĐBSCL kết nối với TPHCM) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Theo ghi nhận, tại công trường dự án, gần 100 công nhân, cán bộ và hơn 10 xe cơ giới các loại ngày đêm bám công trường thi công với tiến độ khẩn trương.

Theo Ban Quản lý Dự án đường thủy, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án), đến nay tiến độ dự án đạt gần 95%, chỉ còn thi công phần láng nhựa đường dân sinh là hoàn tất, đưa công trình vào sử dụng.

Các tin khác