ĐBSCL cần có VSIP

Ông Norman Lim, Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore tại TPHCM, cho biết nhiều nhà đầu tư Singapore đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thủy hải sản tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Vì vậy, rất cần đưa mô hình Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) về đây để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Ông Norman Lim, Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore tại TPHCM, cho biết nhiều nhà đầu tư Singapore đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thủy hải sản tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Vì vậy, rất cần đưa mô hình Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) về đây để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có.

DN Singapore nhắm  ĐBSCL

Đó là thông điệp được ông Norman Lim nhắc đi nhắc lại khi nói về xu hướng đầu tư của DN Singapore vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Lim, ông và một số DN Singapore đã trực tiếp đi đến một số tỉnh ở ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau để khảo sát đầu tư sản xuất thực phẩm, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

“Chúng tôi đánh giá đây là môi trường đầu tư hấp dẫn và có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chế biến, thay vì thuần túy làm thương mại, nhập khẩu như hiện nay” - ông Lim, nói.

Cũng theo ông Lim, ngoài Malaysia, Indonesia, hiện rất nhiều DN Singapore nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam, nhất là thủy hải sản ở ĐBSCL. Việc hợp tác hiệu quả giữa 2 nước hiện nay thông qua mô hình VSIP. Đáng tiếc, trên 13 tỉnh, thành tại ĐBSCL vẫn chưa có khu VSIP nào. Chúng tôi muốn phát huy mô hình này và triển khai mô hình tương tự tại ĐBSCL trong lĩnh vực thủy hải sản.

Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL sẽ góp phần phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Đặng Huy Đông,
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT

Đồng quan điểm trên, bà Edlyn Khoo, Giám  đốc Trung tâm TPHCM, Cục Phát triển DN Quốc tế Singapore (IE Singapore), cho rằng các công ty Singapore là đối tác tiềm năng đem đến dịch vụ và kinh nghiệm chuyên môn nhằm phát huy thế mạnh nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Ngoài các lĩnh vực truyền thống như dịch vụ, tài chính, bất động sản, DN Singapore đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển ngành chế biến thực phẩm, công nghệ lưu trữ thực phẩm và bán lẻ của Việt Nam.

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, những năm qua Singapore trở thành đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Về thương mại, Singapore là đối tác lớn của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt trên 13 tỷ USD.

Về đầu tư, Singapore là đối tác đầu tư FDI lớn thứ 3 của Việt Nam với 1.272 dự án đầu tư còn hiệu lực và hơn 30,3 tỷ USD tổng vốn đăng ký. VSIP có thể xem là một trong những điển hình thành công trong quan hệ hợp tác đầu tư 2 nước Việt Nam - Singapoe với các KCN tại Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi. VSIP đã thu hút được gần 500 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 7 tỷ USD, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD và giải quyết việc làm cho hơn 140.000 lao động.

Đẩy mạnh chế biến sâu nông nghiệp, thủy sản

Cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức công bố Quyết định 245/QĐ-TTg ngày 12-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến 2030. Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm TP Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Ngoài phát triển năng lượng, du lịch, đây sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Quy hoạch đặt mục tiêu kinh tế đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đạt khoảng 11%/năm giai đoạn 2011-2015; 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu kinh tế năm 2015 gồm nông lâm nghiệp, thủy sản 23,1%; công nghiệp - xây dựng 33,3%; dịch vụ 43,6%. Cơ cấu kinh tế năm 2020 gồm nông lâm nghiệp, thủy sản 17,3%; công nghiệp - xây dựng 37,4%; dịch vụ 45,3%. Sản lượng thóc đến năm 2015 khoảng 9 triệu tấn, năm 2020 khoảng 10,2 triệu tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đến năm 2015 đạt 2.030 ngàn tấn, năm 2020 đạt 2.420 ngàn tấn.

Theo Bộ KH- ĐT, cần đẩy mạnh đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực ĐBSCL có lợi thế cạnh tranh, như sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao, du lịch sinh thái (miệt vườn, sông nước, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo; phát triển mạnh hệ thống thương mại, đặc biệt là hệ thống bán buôn, làm đầu mối cung ứng hàng hóa cho cả vùng.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cũng cho biết thời gian tới, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL sẽ phát huy lợi thế về nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, phát huy lợi thế cạnh tranh của cấy lúa bằng cách đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng; khuyến khích phát triển vùng sản xuất lúa lớn, chuyên canh tại An Giang, Kiên Giang. Đối với thủy sản, phát triển khai thác thủy sản một cách bền vững; giảm khai thác hải sản gần bờ, ven bờ; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh.

Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết các vùng cây ăn trái tập trung theo chủng loại cây để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều về chất lượng, đồng thời xúc tiến đầu tư xây dựng một số cơ sở chế biến có công suất thích hợp và công nghệ hiện đại để chế biến rau quả tại Cần Thơ.

Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách và xã hội hóa. Trong đó, các nguồn vốn sẽ tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông và hạ tầng cơ sở như: xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, nâng cấp đường ven biển; xây dựng cầu Vàm Cống, tuyến nối 2 cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; hoàn thành dự án luồng sông Hậu cho tàu trọng tải 20.000 DWT tới cảng Cần Thơ, tàu 10.000 DWT tới cảng Mỹ Thới; tiếp tục nghiên cứu xây dựng một cảng cho tàu biển trọng tải lớn khoảng 30.000-50.000 DWT; nâng cấp các tuyến vận tải thủy Cà Mau - Rạch Giá, Cà Mau - Năm Căn, Bạc Liêu - Cà Mau, Kiên Lương - Hà Tiên; hoàn thành cảng hàng không Phú Quốc mới, nâng cấp một số hạng mục các cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau.

Các tin khác