Xâm nhập mặn ở mức cao
Theo Bộ NN-PTNT, lưu vực sông Mê Công (2019-2020) ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Đáng lo là nguồn nước ngọt phục vụ trong sinh hoạt, sản xuất bị thiếu trầm trọng. Hiện có khoảng 95.600 hộ dân ở ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước ngọt, trong đó Sóc Trăng có 24.400 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ...
Hiện nay, độ mặn liên tục tăng cao, ảnh hưởng đời sống, sản xuất ở 10/13 tỉnh ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi tỉnh Bến Tre, khi trong các kỳ triều cường hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Ở Bến Tre, khoảng 5.000ha lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Dù vậy, tỉnh này cũng như các địa phương bị hạn mặn khác chưa có thiệt hại về cây ăn trái nhờ hệ thống đê bao, bờ bao an toàn…
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã đề xuất với Chính phủ cho nạo vét hết kênh rạch ở ĐBSCL; tạo hồ chứa nước trữ lượng lớn, không mất đất nhiều trong sản xuất. Tuy nhiên, việc nạo vét với độ sâu cần đảm bảo an toàn bờ sông…
Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dự báo tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm nay diễn biến gay gắt hơn năm 2016. Vì vây, từ tháng 9-2019, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn nên hạn chế tối đa thiệt hại. Thủ tướng đã chỉ đạo gieo sạ sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (trên 405.000ha lúa hư hại).
Thủ tướng cũng đánh giá cao người dân vùng ĐBSCL có nhận thức rất rõ, chủ động cùng chính quyền áp dụng các giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt. Trước sự biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, sụp lún tại châu thổ, việc kết hợp đồng bộ các giải pháp cứng và mềm “biến thách thức thành cơ hội” đã thể hiện rất rõ. Lúa chuyển sớm được mùa lớn. Nhà nước, các địa phương đã bố trí nguồn lực xây dựng nhiều công trình phòng chống. Hàng loạt đập tạm, giếng đào, khơi mương… đã giải quyết kịp thời nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ NN-PTNT, chính quyền 7 tỉnh ven biển của ĐBSCL trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng nêu rõ: Qua mùa hạn mặn khắc nghiệt năm 2020, cần rút ra phương châm, một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề...
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, các địa phương liên quan… tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt; đồng thời theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp ngành, người dân...
Các địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ đói, thiếu nước sinh hoạt, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách. Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL cần tính toán hợp lý cho sản xuất vụ lúa hè thu tới, đảm bảo hiệu quả.
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho mỗi tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn mặn theo quy định; giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát nội dung cấp bách cần hỗ trợ, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng quyết định sớm. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, tiêu cực.
Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp Bộ NN-PTNT rà soát, có kế hoạch triển khai các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, nhất là đối với vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị đọng, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hàng năm.