Ngoài ra, các tỉnh trong vùng đang triển khai cấp bách nhiều giải pháp để giữ nước ngọt cho sinh hoạt và bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp.
Khẩn cấp chắn dòng mặn
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hiện là điểm nóng của nước mặn xâm nhập. Nhiều diện tích lúa đang làm đòng nhưng bị khô hạn, nông dân đánh liều lấy nước từ kinh đã bị nhiễm nước mặn bơm tưới. “Nếu không bơm nước thì lúa đông xuân sẽ chết trắng, bơm nước vào, hy vọng còn vớt vát được phần nào”, ông Nguyễn Văn Sển, nông dân huyện Hòn Đất, buồn bã nói. Ông Sển có 14ha lúa được 70 ngày tuổi, gần trổ bông. Ông chấp nhận bơm nước ngoài kinh nội đồng có độ mặn cao vào để cứu lúa. Theo ông Sển, bơm nước xong rồi bón phân thì lúa có thể thiệt hại từ 30%-70%, còn không bơm là mất trắng. Trong khi đó, Phòng Nông nghiệp huyện Hòn Đất cho rằng, do nông dân chủ quan không theo dõi kiểm tra nồng độ mặn khi lấy nước nên diện tích lúa một số vùng bị thiệt hại.
Hiện nay, mực nước ở các trạm nội đồng trong tỉnh Kiên Giang giảm rất nghiêm trọng, nước mặn len lỏi xâm nhập sâu. Tỉnh Kiên Giang đã đắp đập tạm, cắt luồng giao thông đường thủy trên kinh Ông Hiển (thuộc địa bàn xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) để ngăn nước mặn xâm nhập. “Chúng tôi phải tiến hành khẩn cấp đắp đập để giải quyết ngăn mặn khép kín. Đắp đập tạm kinh Ông Hiển sẽ cơ bản ngăn nước mặn vào vùng Tứ giác Long Xuyên”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết.
Các vùng sản xuất nông nghiệp lớn như bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Nam Măng Thít, Quản lộ Phụng Hiệp… đã đóng hàng trăm cống, đập để ngăn mặn. Tại Bến Tre, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã bàn giao 21 cống ngăn mặn cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hạn chế mặn; thi công công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành. Ngoài ra, Bến Tre đã đắp đập phía sau Trường Cao đẳng Bến Tre, đập Sông Mã (Sơn Đông) và nạo vét kênh Sông Mã để hạn chế nước mặn vào sâu. Hiện độ mặn bên ngoài đập Sông Mã từ 4‰-5‰, bên trong là trên 2‰.
Công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai được xem là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên, kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào). Từ đó, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (Châu Thành) với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước để phục vụ dân sinh. Ngoài ra, đơn vị mới tiếp nhận quản lý hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri hơn 1 tháng nay, quy trình vận hành là lấy nước ngọt vào để trữ sử dụng trong mùa mặn. Từ khi độ mặn lên 0,5‰ đến nay, hồ chứa không lấy nước vào nữa.
Tại Tiền Giang, theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, trong những ngày qua, hạn mặn diễn biến phức tạp, độ mặn rất cao, UBND tỉnh đã quyết định đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành để giữ nước sinh hoạt cho một phần vùng phía Tây TP Mỹ Tho và vùng phía Đông của tỉnh với hơn 800.000 hộ dân, đồng thời góp phần giữ ngọt cho vùng từ vị trí đắp đập trở về phía huyện Tân Phước và tỉnh Long An. Theo dự báo, đợt thủy triều cuối tháng tới đây sẽ là đỉnh triều mặn nhất trong năm. UBND tỉnh đã quyết tâm phải “hợp long” đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành trước đỉnh triều, để hệ thống nước của tỉnh không bị ảnh hưởng mặn, đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân và các nhà đầu tư yên tâm sản xuất.
Sáng tạo, thích nghi
Nhận định tình hình hạn, mặn sẽ diễn biến khốc liệt, từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Chính phủ và Bộ NN-PTNT liên tục có chỉ đạo và trực tiếp khảo sát tình hình tại ĐBSCL. Các tỉnh ĐBSCL đã chủ động đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành nhiều công trình ngăn mặn quan trọng. Điển hình là tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành cống ngăn mặn Vũng Liêm ngay từ đầu năm 2020 (hoàn thành sớm hơn kế hoạch 6 tháng).
Công trình này đã kịp thời ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ trực tiếp cho 11.000ha và gián tiếp cho gần 70.000ha lúa. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long đã đánh giá cao việc sớm hoàn thành công trình này. “Công trình này là cơ sở hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng giữa Vĩnh Long và Trà Vinh; cần đẩy mạnh các giải pháp thích ứng và chung sống với biến đổi khí hậu; địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện để kết nối phục vụ nông dân tưới tiêu”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại Bạc Liêu, công trình Cống âu thuyền Ninh Quới thuộc huyện Hồng Dân cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành (sớm hơn 13 tháng so với dự kiến), kịp thời phục vụ công tác ứng phó hạn mặn trong mùa khô năm 2020, đã giải quyết hài hòa về nguồn nước phục vụ cho sản xuất giữa 2 hệ sinh thái mặn - ngọt của người dân trong vùng, nhất là tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Điều đáng ghi nhận hiện nay là nông dân ĐBSCL đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chống hạn mặn bằng cách đào mương, tận dụng ao hồ chứa nước ngọt và áp dụng tưới tiết kiệm.
“Mấy năm trước, nước mặn thường về từ tháng 2, nhưng năm nay nghe thông báo mặn về sớm, gia đình tranh thủ trữ nước ngọt để phục vụ tưới tiêu cho vườn cây trồng mãng cầu xiêm và bưởi da xanh, nếu không ứng phó trước chắc giờ sẽ thiệt hại lớn”, nông dân Võ Văn Thường, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết.
Với diện tích 27 công đất trồng bưởi da xanh, ông Lê Hùng Cường, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành (Kế Sách, Sóc Trăng) đã cải tạo ao trữ nước ngọt và nuôi cỏ quanh gốc cây bưởi để tạo độ ẩm cho cây. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống nước mặn xâm nhập cũng như đảm bảo được nước tưới tiêu trong sản xuất. Đây cũng là cách làm của nhiều nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng.