Ông Nguyễn Phong Quang, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ:

ĐBSCL: “Xắn tay” liên kết vùng

Từ ngày 27 đến 30-4, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL.

Từ ngày 27 đến 30-4, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL.

 Ông Nguyễn Phong Quang
 Ông Nguyễn Phong Quang

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Quang - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ - cho rằng bên cạnh một số kết quả đạt được, sự phát triển khu vực ĐBSCL thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Quang nói:

- Có thể nói 10 năm qua ĐBSCL đã có thay đổi trên mọi mặt của đời sống từ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... Đặc biệt là nông nghiệp - thế mạnh số một của ĐBSCL - đã có bước nhảy vọt: sản lượng lúa gạo từ 16 triệu tấn năm 2001 lên 23 triệu tấn hiện nay; sản lượng thủy sản cũng tăng gấp nhiều lần.

Ngoài ra, “cánh đồng mẫu lớn” là mô hình mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của nông nghiệp trong giai đoạn tới, những sáng kiến liên kết vùng trong thực hiện tam nông.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận ĐBSCL vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém. Trong đó, cơ sở hạ tầng bao gồm cả giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm... vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém so với yêu cầu và tiềm năng của các địa phương.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không chỉ dựa vào vốn ngân sách mà quan trọng hơn là phải có cơ chế, chính sách tốt để thu hút đầu tư. Đó là cách BCĐ Tây Nam bộ đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương để làm.

* ĐBSCL đã nhiều lần đặt ra vấn đề liên kết vùng, nhưng đến nay hiệu quả vẫn rất mờ nhạt. Thưa ông, làm gì để liên kết vùng đi vào thực chất, hiệu quả thiết thực hơn?

- Đúng là thời gian qua chúng ta có đặt vấn đề liên kết vùng nhưng còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm nên chưa tạo ra thế mạnh của vùng. Chúng ta chưa có chính sách đặc thù cho ĐBSCL trong các lĩnh vực như lúa, gạo, tôm, cá, trái cây nên mới có tình trạng lúa trúng mùa thì không được giá, mà khi được giá thì... mất mùa.

ĐBSCL: “Xắn tay” liên kết vùng ảnh 2Muốn đột phá thì trước hết cần phải tính tới câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta phải chọn cán bộ có tâm, có tầm để giải quyết câu chuyện cho ĐBSCL.
ĐBSCL: “Xắn tay” liên kết vùng ảnh 3

 Ông Nguyễn Phong Quang

Tuy nhiên, không phải hạn chế này là do chúng ta không làm gì về liên kết vùng mà do chúng ta ký kết hợp tác nhưng lại không rõ vai trò của “nhạc trưởng” nên chưa có kết quả cụ thể và toàn diện.

Trên thực tế với vai trò là “nhạc trưởng”, BCĐ Tây Nam bộ đã làm được một số việc trên các lĩnh vực giáo dục, giao thông. Cụ thể, chúng tôi đã làm việc với Đại học Y dược Cần Thơ đào tạo 320 chỉ tiêu, Đại học Kiến trúc TP.HCM 516 chỉ tiêu, 60 chỉ tiêu thạc sĩ chính sách công cho ĐBSCL.

BCĐ Tây Nam bộ đã xác định tới đây phải tập trung làm tốt chuyện liên kết vùng và chúng tôi sẽ làm đầu mối cho câu chuyện này. Đã đến lúc phải làm rõ những liên kết gì thuộc loại bắt buộc như trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thị trường... Muốn phát triển kinh tế - xã hội phải có công trình mang tính liên vùng, ngay cả muốn kêu gọi đầu tư thì trước hết các tỉnh trong vùng phải có sự liên kết tốt.

* Nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL thời gian qua đã đua nhau lập khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái trong khi không có lợi thế. Thế nhưng vẫn không thấy vai trò điều tiết từ BCĐ?

- Thực trạng này không chỉ xảy ra ở ĐBSCL. Đây cũng là hệ quả của tư duy... nhiệm kỳ, tỉnh nào cũng muốn phát triển kinh tế nhanh hơn nên muốn thu hút nhiều nhà đầu tư vào mà không lường được hết những hậu quả của nó. Chẳng hạn việc lập các khu công nghiệp, doanh nghiệp xả chất thải ra môi trường làm ảnh hưởng chung nhưng khi có vấn đề gì xảy ra từ việc xả thải thì phía cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm vì thiếu vai trò điều phối. Thật ra BCĐ Tây Nam bộ cũng đã thấy vấn đề này và “xắn tay” vào làm nhưng cũng phải nhìn nhận là chưa cứng rắn lắm. Nguyên nhân là do hiện vẫn chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng cho hoạt động của ban.

Tôi cho rằng tới đây sẽ phải đột phá vào những “khoảng trống” giữa bộ ngành trung ương và địa phương. Thực tế thời gian qua có địa phương phản ảnh các công trình giao thông do bộ thực hiện là chậm nhưng bộ thì nói không. BCĐ Tây Nam bộ sẽ đóng vai trò kết nối các đơn vị như địa phương, bộ ngành, chủ đầu tư, nhà thầu... để họ cùng ngồi với nhau giải quyết.

Nhiều hoạt động vực dậy ĐBSCL

Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL dự kiến thu hút 1.200 gian hàng của 400 đơn vị doanh nghiệp, địa phương tham gia. Trong thời gian triển lãm, hàng loạt sự kiện sẽ được tổ chức, như Hội nghị xúc tiến đầu tư ĐBSCL; các hội thảo “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa mô hình cánh đồng mẫu lớn”, “Phát triển thị trường tín dụng và các dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL”, “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đối khí hậu đến năm 2100”... Dịp này BCĐ Tây Nam bộ sẽ giới thiệu 178 danh mục dự án đầu tư trọng điểm của các tỉnh kêu gọi đầu tư với số vốn trên 171.000 tỉ đồng và trên 1,5 tỉ USD.

* Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Hậu Giang kiêm Tổng đạo diễn, với chủ đề “Tây Nam bộ - Liên kết & Phát triển”, sân khấu chính của đêm khai mạc (27-4) sẽ được dựng ven bờ sông Hậu thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ với tổng diện tích trên 1000m2. Nét độc đáo là sân khấu được thiết kế theo dạng mở, động nhằm khai thác tối đa chiều dài sân khấu (16m) tiếp giáp với mặt nước sông Hậu. Biểu tượng “Rồng” vừa truyền thống (múa Lân sư rồng) và hiện đại (ánh sáng lade) cùng các cách điệu hoa sen, rừng, biển, ghe xuồng…sẽ lung linh hơn trên nền pháo hoa nghệ thuật. Chương trình sẽ làm nổi bật sự phát triển của vùng đất Tây Nam bộ cùng nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc anh em Việt – Hoa – Khmer – Chăm với sự góp mặt của nhiều  nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Thúy, Cao Minh, Hoài Linh, Quế Trân, Hoàng Nhất, Tuấn Anh…VTV2, VTV Cần Thơ, HGTV cùng nhiều kênh truyền hình khác sẽ phát sóng chương trình này. 

Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng phát triển vùng ĐBSCL (từ 27/4 đến 1/5/2012) sẽ được tổ chức trang trọng nhưng thiết thực, tiết kiệm, bảo đảm an toàn và đạt mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng ĐBSCL đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách năm 2010 đạt 28.101 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so năm 2001. (Thống Nhất)

Các tin khác