Dè dặt với kế hoạch lợi nhuận 2012

Thời điểm này một số NHTM cổ phần đã rục rịch kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông năm 2012. Trước dự báo một năm mới vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều NHTM đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2012 khá cao. Phải chăng hoạt động của các NHTM trong năm nay vẫn có nhiều tiềm năng?

Thời điểm này một số NHTM cổ phần đã rục rịch kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông năm 2012. Trước dự báo một năm mới vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều NHTM đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2012 khá cao. Phải chăng hoạt động của các NHTM trong năm nay vẫn có nhiều tiềm năng?

Tăng từ 20% đến trên 100%

Nằm trong tốp những NHTM lớn hàng đầu nước ta, VietinBank cho biết kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2012 tăng 20% so với năm 2011, tổng tài sản tăng 20%; nguồn vốn huy động tăng 25%; dư nợ cho vay tăng 20%; nợ xấu dưới 3%; tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 10%; vốn điều lệ đạt 30.000 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ≥ 10%.

Được biết năm 2011, lợi nhuận trước thuế của NH này đạt 8.105 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 460.421 tỷ đồng, nợ xấu ở mức 0,74%/tổng dư nợ, ROE 25,4%, ROA 1,96%, cổ tức chi trả 20%. BIDV cũng vừa công bố năm 2012 mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.800 tỷ đồng, cao hơn tới 30% so với năm 2011.

Chỉ tiêu ROE được nâng lên 17% từ mức 13% của năm 2011. Trong kế hoạch điều hành ROE còn đề ra mức tăng 18% đối với chỉ tiêu này; CAR ở mức trên 10%; tổng tài sản đạt 50.000 tỷ đồng, tăng 17% so với 2011, tỷ lệ nợ xấu 2,8%.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH 

Trong buổi tổng kết kinh doanh năm 2011, DongABank đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2012 là 1.650 tỷ đồng, tăng 131,5% so với năm 2011 (năm 2011 lợi nhuận của NH là 1.255 tỷ đồng, tăng 146,3% so với năm 2010); vốn điều lệ tăng từ 4.500 tỷ lên 6.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 64.559 tỷ lên 100.000 tỷ đồng; số dư nợ tín dụng cuối năm 2012 dự kiến 50.600 tỷ đồng (năm 2011 là 44.005 tỷ đồng).

MB cũng vừa cho biết năm 2012 mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 22% so với năm 2011; vốn điều lệ sẽ tăng 64%, huy động vốn và dư nợ tín dụng dự kiến tăng 21% và 15% so với kết quả năm 2011. Năm 2012 MB  phấn đấu đạt 240 điểm giao dịch trên toàn hệ thống.

Ngay với những NH nhỏ như KienLongBank cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng. Cụ thể, Kienlong Bank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 710 tỷ đồng, cổ tức tăng 30-40%, nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ, thành lập thêm 30 chi nhánh, phòng giao dịch. Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Kienlong Bank đạt 522 tỷ đồng, tăng 102% so năm trước.

Lợi thế NH lớn

Giải thích về cơ sở đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận của DongABank, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho rằng dù đầu năm có nhiều dự báo khó khăn cho hoạt động NH và doanh nghiệp nhưng không thể vì thế mà đưa ra chỉ tiêu thấp, bởi như vậy sẽ không khuyến khích các đơn vị phấn đấu đạt chỉ tiêu cao.

Ông Bình cũng cho rằng trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội, nhất là đối với những NH có con đường đi riêng như DongABank. Đặc biệt trước thông tin NHNN tuyên bố năm 2012 sẽ hợp nhất 5-8 NH cũng là cơ hội cho các NH còn lại có thương hiệu trong hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy những NH đưa ra chỉ tiêu kinh doanh cao thuộc vào những NHTM lớn. Đơn cử, như VietinBank được Thống đốc NHNN kỳ vọng trong hệ thống NH Việt Nam có 1-2 tổ chức tín dụng có tầm cỡ khu vực, trong đó VietinBank là một trong 2 tổ chức đó…

Tuy vậy, đến nay hầu hết NHTM bậc trung và nhỏ vẫn đang tỏ ra khá kín tiếng với kế hoạch lợi nhuận dự kiến đưa ra trình đại hội cổ đông năm 2012.

Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, năm nay sẽ có sự phân hóa rõ nét về kế hoạch lợi nhuận trong hệ thống NHTM. Bởi lẽ, bên cạnh chính sách tín dụng chặt chẽ NHNN sẽ không áp dụng cào bằng “room” tín dụng cho tất cả NHTM.

Khi đó, có thể nhóm NHTM lớn có sức khỏe tốt sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận mạnh từ mảng tín dụng, trong khi những NH nhỏ đang nằm trong đối tượng cần tái cấu trúc, hợp nhất sẽ khó kiếm lợi nhuận khi không loại trừ NHNN đóng “room” tín dụng với NH này.

Tuy nhiên, một chuyên gia NH cho rằng nhìn con số lợi nhuận và tốc độ tăng so với năm trước, có thể thấy các NH đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ấn tượng nhưng thực tế tính trên vốn điều lệ đang tăng cao, kế hoạch lợi nhuận đưa ra vẫn khá khiêm tốn, nhất là với những NH có vốn điều lệ lớn từ 5.000 tỷ đến trên 10.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, một điểm đáng chú ý là từ năm ngoái nợ xấu của các NHTM đang có xu hướng gia tăng và nhiều dự đoán năm nay sẽ tiếp tục bộc lộ mạnh mẽ khi dòng tín dụng để giúp đảo nợ sẽ khó khăn hơn do NHNN siết chặt các “lỗ hổng” tăng trưởng tín dụng của các NHTM, như trái phiếu doanh nghiệp và dự kiến tới đây là ủy thác đầu tư…

Tất yếu khi đó buộc các NHTM trích lập dự phòng rủi ro nhiều, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thực tế mới đây một số NHTM công bố lợi nhuận quý IV-2011 lỗ do chi phí trích lập dự phòng quá lớn.

Cụ thể, Habubank vừa công bố lỗ riêng lẻ trong quý IV-2011 hơn 41 tỷ đồng, do chi phí hoạt động tăng mạnh cùng với trích lập dự phòng hơn 132 tỷ đồng. Chắc chắn khi vào mùa đại hội cổ đông, các NHTM nhỏ sẽ phải cân nhắc kỹ chỉ tiêu trước khi đưa ra trình đại hội cổ đông.

Các tin khác