Để gạo Việt tiếp tục 'được mùa được giá'

(ĐTTCO) - Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, xuất khẩu gạo hiện là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 1,56 tỷ USD, tăng tới 54,5%.
Kim ngạch xuất khẩu gạo đang tăng cao

Kim ngạch xuất khẩu gạo đang tăng cao

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, xuất khẩu gạo đang là điểm sáng nổi bật trong các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, gạo xuất khẩu không chỉ tăng đột biến về lượng mà năm nay còn bán giá cao, mức bình quân là 526 USD/tấn (tăng 7,6%). Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo tăng vọt do các thị trường truyền thống như Philippines tăng 45%, Trung Quốc tăng 119%; các thị trường tiềm năng như Singapore cũng tăng gần 30%, Chile tăng gấp 25 lần… Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang EU ngày càng tăng trưởng nhờ sản phẩm gạo thơm, gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện nay, tại ĐBSCL, từ doanh nghiệp đến nông dân đã ý thức hơn về sản xuất lúa gạo sạch, tiết giảm phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân vi sinh, hữu cơ… Trong thời gian tới, nếu tiếp tục nhân rộng phương thức sản xuất xanh - sạch, giảm phát thải thì giá lúa gạo của Việt Nam còn tăng hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, các nước sẽ ráo riết nhập khẩu gạo. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo cảnh báo của các tổ chức khí tượng thế giới, hiện tượng El Nino đang trở lại gây nguy cơ mất mùa, khủng hoảng lương thực tại nhiều quốc gia. Một số tổ chức quốc tế cũng dự báo, toàn cầu sẽ thiếu hụt kỷ lục với 8,7 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Hiện Bộ NN-PTNT đã được Chính phủ giao xây dựng đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải tại ĐBSCL. Nhưng đến tháng 5, đề án này vẫn chưa được thông qua.

Do vậy, những yêu cầu quan trọng trong đề án cần sớm được hiện thực hóa nhằm giúp nông dân trồng lúa giảm dần chi phí, tăng nguồn cung nông sản xanh - sạch cho thị trường xuất khẩu, nâng cao tính chuyên nghiệp, sớm đạt được chứng chỉ carbon, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết tại COP 26, để lúa gạo Việt Nam tiếp tục có giá xuất khẩu cao hơn.

Các tin khác