(ĐTTCO)-Ngay từ đầu năm 2017, UBND TPHCM đã bàn nhiều giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện giảm nghèo đa chiều, với mục tiêu giảm từ 1,2% - 1,4% số hộ nghèo. Không chạy theo thành tích hay nặng về hình thức, TPHCM làm mọi cách để giảm nghèo nhanh, bền vững và không để tái nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo.
Chỉ 12,5% hộ nghèo có khả năng thuê mua nhà ở xã hội
TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Qua đó đã cho thấy một bức tranh hoàn chỉnh hơn về nghèo khó, nhận dạng đối tượng nghèo chính xác hơn.
Chia sẻ về “bức tranh hoàn chỉnh hơn về nghèo khó” ở TPHCM, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Loan, Quản đốc Dự án giảm nghèo đa chiều khu vực đô thị TPHCM - UNDP, cho biết TP có khoảng 65.000 hộ nghèo (chiếm 3,3% tổng hộ dân) và 47.000 hộ cận nghèo. Hơn phân nửa số hộ nghèo thiếu hụt về chiều giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội; hơn 39% hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; 1/3 hộ nghèo thiếu hụt về y tế và 15% thiếu hụt thông tin.
“Trình độ nghề, bảo hiểm xã hội và nhà ở là 3 thiếu hụt cao nhất, cần được ưu tiên cải thiện với cả người nghèo, người cận nghèo”, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Loan chỉ rõ.
![]() |
Trong đo lường nghèo đa chiều, chuẩn nghèo về nhà ở là diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn 6m2/người ở nội thành và 10m2/người ở ngoại thành. Giảm nghèo về nhà ở là một thách thức không nhỏ với TP. Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết qua khảo sát gần 1.300 hộ nghèo, thì thấy gần 93% có nhu cầu về nhà ở. Như vậy, có thể ước lượng TPHCM có gần 38.300 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới.
Do thu nhập khá thấp nên đa số có nhu cầu thuê mua (10 - 15 năm) nhà ở xã hội, chiếm gần 72%. Mặc dù vậy, so với mức giá trung bình của nhà ở xã hội như hiện nay, ước chỉ khoảng 12,5% số hộ nghèo và cận nghèo có khả năng thuê mua, nhờ có tích lũy thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Một trở ngại, theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, hơn 90% người nghèo hiện nay ở nhà liên kế chật chội (chỉ khoảng 7,6m2/người), số hộ cư ngụ trong chung cư chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do vậy, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội theo loại hình chung cư sẽ là một trong những thách thức về thay đổi lối sống của những hộ nghèo khi đăng ký các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.
Sở hữu nhà ở là một trong những chiều kích phản ánh sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư. Nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo về nhà ở, Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khuyến nghị TP khi lập và duyệt quy hoạch đô thị chi tiết phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có người nghèo ở đô thị và ở khu công nghiệp. Hiện nay, loại nhà ở xã hội hiện có thường dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập khá, chứ chưa đến với người nghèo khó.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, rất cần tập trung phát triển mô hình nhà ở thương mại giá rẻ (có diện tích nhỏ) để cho thuê mua, mua trả góp, bằng các giải pháp cụ thể, Nhà nước chỉ quản lý quy hoạch, để thị trường cạnh tranh giá cả.
5 nhóm chính sách hỗ trợ người nghèo
Về chương trình giảm nghèo của TPHCM, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Xê cho biết, năm 2017, TP sẽ giảm từ 1,2% - 1,4% hộ nghèo. TP phấn đấu đến cuối năm 2018, cơ bản không còn hộ nghèo (dưới1%). Chuyển từ giảm nghèo đơn chiều (thu nhập) sang giảm nghèo đa chiều (gồm thu nhập và 5 chiều xã hội là giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở - nước sạch, tiếp cận thông tin), TPHCM cũng đổi mới cơ chế quản lý và giảm nghèo.
TP lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo vào các chương trình kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn. Ở từng chiều thiếu hụt của người nghèo, các sở, ngành được giao nhiệm vụ theo chức năng, chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Kế hoạch giảm nghèo được xây dựng từ dưới lên, có sự tham gia của từng hộ nghèo, cận nghèo.
Song song đó, TP cũng xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng bền vững hơn, tác động trực diện giúp cho hộ nghèo, cận nghèo không chỉ vượt chuẩn nghèo về thu nhập mà còn giảm nghèo về con người và nghèo về xã hội; tạo điều kiện và môi trường tác động để người nghèo an tâm, tổ chức sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo cải thiện được cuộc sống tự vươn lên giảm nghèo và làm ăn phát đạt.
Ông Nguyễn Văn Xê cho hay, TP đưa ra 11 chính sách hỗ trợ chủ yếu, tập trung vào 5 nhóm: Hỗ trợ tăng thu nhập (tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong và ngoài nước); hỗ trợ tăng cường các khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo (hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch, thông tin, thể dục thể thao…); hỗ trợ trực tiếp giảm thiểu rủi ro và những nguy cơ dễ làm tổn thương người nghèo (trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp khó khăn đột xuất, miễn giảm thuế); nhóm chính sách tác động tạo cơ hội nâng cao vị thế, tiếng nói người nghèo; nhóm chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, về quy hoạch phát triển sản xuất, nâng cấp đô thị, quy hoạch phát triển khu dân cư và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý cho hộ nghèo an tâm sản xuất làm ăn, ổn định cuộc sống.
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm: Giảm nghèo năng lực để người nghèo dám học, dám nghĩ, dám làm Nghèo trước hết là thiếu năng lực tối thiểu. Khi nói đến năng lực, chúng ta mới chú ý đến học vấn, nghề, sức khỏe, nhưng bỏ qua một số chỉ số là nghèo năng lực, vốn là gốc của các nghèo khác. Chẳng hạn, sức lao động của người nghèo đang như thế nào, họ khỏe mà không chịu làm, hay ốm yếu không làm được? Quan trọng hơn nữa, ý chí vượt nghèo như thế nào, hay chấp nhận số phận, thậm chí thích…nằm trong diện nghèo? Nghèo có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thiếu năng lực, trong đó một phần là do năng lực bản thân hạn chế như sức khỏe yếu, thiếu năng lực suy nghĩ, tự học, thiếu tính toán học hành, làm ăn. Gốc của nghèo và cũng là biểu hiện của nghèo chính là nghèo năng lực chứ không phải là nghèo do thiếu tiền; chúng ta chưa quan tâm, chưa đo được chiều nghèo năng lực. Gốc của vấn đề là nâng cao sức khỏe, bản lĩnh, nâng cao dân trí, tay nghề, nâng cao năng lực tạo việc làm, tìm kiếm việc làm. Nghĩa là giúp cho người nghèo dám học, dám nghĩ, dám làm, biết xoay xở, không chịu đói nghèo, có ý chí và quyết thoát nghèo mới là quan trọng nhất, đáng đầu tư vào làm nhất. TPHCM cần giáo dục, nâng đỡ, khuyến khích các ý chí đó, năng lực đó cho người dân. Tất nhiên, tạo vốn và tạo cơ hội việc làm là rất quan trọng. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Cần giảm nghèo cả về đạo đức, nhân cách Cả 5 chiều nghèo xã hội và chiều nghèo thu nhập mà TPHCM đo lường thực chất đều bị chi phối trực tiếp và mạnh nhất bởi yếu tố thu nhập. Nếu không thoát khỏi được nghèo thu nhập thì cũng khó thoát khỏi nghèo các chiều khác. Biện pháp “cho cần câu” hiện nay chỉ đủ sức giảm nghèo thu nhập. Có cần câu nhưng chúng ta lại chưa có “ngư trường tốt”, bởi vì trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn đang ở bậc rất thấp về công nghệ và năng suất lao động so với khu vực và thế giới. Hiện nay, có nhiều trường hợp nghèo tiền bạc nhưng “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, ngược lại cũng không ít người có quyền, có tiền lại tham nhũng, lừa đảo, vô cảm với nỗi khổ của người dân. Đó là chiều nghèo về nhân cách, đạo đức. Bức tranh toàn cảnh về các chiều nghèo xã hội phải bao gồm cả nghèo vật chất, nghèo tinh thần, nghèo văn hóa, nghèo sức khỏe, nghèo đạo đức, nghèo nhân cách… Như vậy, đo lường nghèo đa chiều và đối tượng đo lường nghèo đa chiều của TP còn thiếu chiều nghèo nhân cách, đạo đức. Nghèo đạo đức không hẳn khó đong đếm. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta cũng chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” có suy thoái. Vậy một bộ phận không nhỏ ấy tiêu tốn số tiền của Nhà nước, của nhân dân bao nhiêu; lớn hay nhỏ hơn so với kinh phí thực hiện giảm nghèo đa chiều? Tôi cho rằng việc giảm nghèo đạo đức, giảm nghèo nhân cách là rất quan trọng; nếu không, một đằng cứ làm, một đằng cứ phá thì việc giảm nghèo các chiều khác cũng không có ý nghĩa nhiều. Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Không nên chạy theo thành tích Việc giảm nghèo đa chiều không nên chạy theo thành tích. Tôi đi các địa phương, có phường, mỗi tuần khi chào cờ xong, cán bộ, công chức, viên chức phải bỏ vô thùng tiết kiệm từng 10.000 đồng để giúp người nghèo, nhằm hoàn thành chỉ tiêu. Để theo được chỉ tiêu, phường cũng cực khổ lắm! Bây giờ, TP đặt ra chỉ tiêu cao rồi thì cố gắng giải pháp đưa ra phải bền vững, đừng quá chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Giảm nghèo ở TPHCM cần gắn với việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt. Chúng ta nói hết nghèo nhưng chất lượng sống của người dân còn chưa tốt, thậm chí một số mặt nào đó còn giảm đi. Tôi rất tán thành quan điểm giữa giảm nghèo và giảm khoảng cách giàu - nghèo thì giảm khoảng cách giàu - nghèo quan trọng hơn. Tôi cũng đồng tình với việc giảm nghèo về đạo đức, về nhân cách, chứ chỉ giảm nghèo về thu nhập cộng với 5 chiều xã hội là chưa đủ. Những vấn đề này rất hay và cần phải nghiên cứu tiếp. |