Đó là thực trạng của không ít dự án đang diễn ra trên địa bàn TPHCM mà nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo góp ý dự án Luật đất đai sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 5-10. Từ đó nhiều đại biểu đề xuất Luật đất đai mới có phương án giải quyết tình trạng nói trên.
Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc có diện tích 110ha đã bắt đầu thương lượng bồi thường cho người dân từ năm 1999, chủ đầu tư đã thỏa thuận được trên 85% diện tích nhưng những người dân còn lại không đồng ý thỏa thuận bồi thường. Dự án lại không thể điều chỉnh giảm diện tích bởi phần đất chưa được người dân đồng ý bán cho chủ đầu tư nằm lẫn bên trong dự án.
Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cũng dẫn chứng tình trạng các dự án trên địa bàn huyện này cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có dự án chỉ còn vài ngàn mét vuông đất chưa thương lượng được, nhưng người sử dụng đất nhất quyết không nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư bất kể giá cao cỡ nào. Hậu quả của việc này là dự án đình trệ, kinh tế địa phương không phát triển, chủ đầu tư, nhà nước và cả người dân đều không được lợi ích gì từ dự án.
Trước tình trạng đó, lãnh đạo huyện Nhà Bè nói ông mong lần này Quốc hội có cái nhìn trực diện vào vấn đề để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Có thể để tòa án giải quyết tranh chấp và phán quyết về giá chuyển nhượng, buộc người "bỏ bom" phải chấp nhận giá chuyển nhượng.
TS Trần Du Lịch nói thậm chí có người chủ động mua gom một diện tích đất trong phạm vi các dự án nhà ở. Chủ đầu tư trả giá nào cũng không bán.
Phản ánh với ĐTTC, một số doanh nghiệp cho biết, có những dự án gần 10ha đã đền bù gần hết chỉ còn hơn 2.000m2, phần diện tích này lại lọt thỏm giữa dự án nên không thể điều chỉnh quy mô dự án.
“Chúng tôi đưa ra nhiều phương án để thương lượng với chủ đất, nhưng họ nhất quyết không đồng ý với lý do: Không có nhu cầu bán đất. Nếu tình trạng này không có quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) thì doanh nghiệp nói riêng và tình hình đầu tư đô thị, phát triển dự án nói chung sẽ ảnh hưởng rất nhiều”- đại diện doanh nghiệp kiến nghị.