Để TPHCM trở thành 'thành phố của sự kiện'

(ĐTTCO) - Năm 2023, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý I-2024, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt hơn 1,38 triệu lượt, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Một góc TPHCM.
Một góc TPHCM.

Đó là một dấu hiệu khả quan, cho thấy thị trường du lịch của TPHCM có dấu hiệu hồi phục tốt, và có khả năng đạt được 8 triệu khách trong 2024. Nhưng muốn được hơn nữa, cần phải có những chương trình tạo điểm nhấn và trở thành thường niên trong “sổ tay” khách du lịch quốc tế.

Việc du khách nước ngoài gia tăng chủ yếu do Việt Nam kéo dài thời hạn visa từ 30 ngày lên 90 ngày, họ có thể nhập cảnh trở lại Việt Nam sau khi qua các nước khác mà không phải xin visa mới. Còn các sản phẩm du lịch ở TPHCM chưa có gì cải tiến đáng kể, về cơ bản là những tour, điểm đã có.

Do vậy, muốn thu hút khách du lịch nước ngoài cần phải có thêm nhiều sản phẩm mới lạ. Nhận thức được vấn đề nên tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 hôm 9-4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện kéo dài từ 1-2 tuần.

Như vậy, suốt năm TPHCM sẽ là “thành phố của sự kiện”, là một trong những yếu tố kéo thêm du khách quốc tế. Cần phải nói đây là ý tưởng hay, táo bạo, nhưng để đi đến đó còn rất nhiều thách thức, nhiều việc phải làm.

Đầu tiên cũng là điều kiện tiên quyết, đó là phải có một khu vực lớn dành cho nơi diễn ra một chuỗi các sự kiện mang tính hệ thống kéo dài nhiều ngày. Ở Việt Nam có một vài nơi được coi là “vùng sự kiện”, có nghĩa nơi đó được tổ chức không gian chuyên biệt, xây dựng những công trình kiến trúc, điều kiện vật chất (như ánh sáng, thiết bị kỹ thuật, hệ thống dịch vụ… và cả cấp cứu) để phục vụ cho sự kiện diễn ra quanh năm như Phú Quốc, Bà Nà Hill, Hội An, Tràng An - Bái Đính…

Trên thế giới có nhiều thành phố, thị trấn, khu vực được thiết kế riêng biệt như thế, chẳng hạn như Phuket (Thái Lan), Jeju (Hàn Quốc). Còn với TPHCM, muốn trở thành “thành phố sự kiện” phải có một địa điểm đủ rộng, có thể chứa được cả triệu người đến vui chơi, thưởng lãm.

Thời gian gần đây, TPHCM đã có những cố gắng để tổ chức những sự kiện như Lễ hội áo dài, Lễ hội ẩm thực, Ngày thả khinh khí cầu, Chương trình nghệ thuật dòng sông kể chuyện, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô, Chương trình Lễ hội sông nước… Nhưng những lễ hội này diễn ra không cùng thời gian và địa điểm, nên không kết thành hệ thống hiệu ứng.

Bởi cái khó là nếu tổ chức chuỗi các sự kiện kéo dài 2 tuần mỗi tháng quanh năm, không thể tổ chức ở trung tâm thành phố như khu vực quận 1, quận 3 được. Vì mỗi lần có sự kiện phải huy động một lực lượng rất đông công an, dân phòng, thanh niên xung phong vào cuộc, phải rào chắn, điều hướng nhiều tuyến đường, dẫn đến thay đổi trật tự giao thông thường nhật, và dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến đời sống và làm ăn của người dân sống ở khu vực này.

Do vậy, TPHCM cần tìm ra địa điểm chuyên tổ chức “thành phố sự kiện” tạo hiệu ứng mạnh. Như hiện nay có thể có 2 địa điểm, đó là Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và dải đất dọc sông Sài Gòn từ công viên Văn Thánh lên khu đô thị Vạn Phúc. Nếu TPHCM kết hợp đề xuất của Viện Quy hoạch vùng Paris của Pháp, là biến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành một công viên sinh thái với kế hoạch “thành phố sự kiện”, có thể đây là một đề án khả thi.

Một thách thức nữa TPHCM phải tính đến. Lâu nay các sự kiện diễn ra ở TPHCM chủ yếu từ các chương trình của Sở Du lịch, tổ chức bằng kinh phí nhà nước, lực lượng tham dự là các đoàn nghệ thuật nhà nước, đoàn thanh niên...

Như vậy rất khó đủ lực để kéo dài chuỗi sự kiện 2 tuần/tháng và 12 tháng trong năm. Muốn kiến tạo nên “thành phố sự kiện” phải luôn có được một quỹ dồi dào các chương trình trình diễn trong nhà và ngoài trời, trên không dưới nước. Sự kiện không chỉ hấp dẫn mà còn đa dạng và liên tục thay đổi, bao gồm ca nhạc, điện ảnh, sân khấu tạp kỹ, sân khấu hóa, thời trang, triển lãm, ẩm thực, thể thao, lễ hội địa phương, lễ hội quốc tế… Nếu không sự kiện chỉ rầm rộ được thời gian đầu sau đuối dần.

Và muốn làm được điều này phải huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, động viên các nhóm chuyên sáng tạo, nhà nước phải có sự hỗ trợ về pháp lý, tài chính, công cụ, và quan trọng nhất là khoảng không gian tự do sáng tạo. Trong khoảng 5 năm gần đây, Hà Nội đã thành công trong việc thu hút các tổ chức, nhóm tư nhân tham gia làm cho bầu không khí thủ đô sinh động hẳn lên…

Một điều nữa rất quan trọng là cần thay đổi cách thức từ “hướng nội” sang “hướng ngoại”. 7 chương trình lễ hội thường niên của Sở Du lịch TPHCM xây dựng và thực hiện hàng hàng năm, chủ yếu là các lễ hội phục vụ trước hết cho mục đích chính trị, như Lễ hội 30-4, Lễ hội 2-9, Lễ hội Giỗ tổ…

Những lễ hội khác như Lễ hội Nguyên tiêu, Lễ hội nghinh Ông, Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt, Lễ hội ẩm thực Nam bộ, Lễ hội trang phục áo dài... đều có chung đặc điểm cả phần lễ lẫn phần hội là tính hướng nội, chủ yếu phục vụ cộng đồng bản địa. Chính tính hướng nội mạnh mẽ này mà người ngoài không thể tham gia được ở bất cứ khâu nào, chỉ đứng bên ngoài xem.

Trong khi ở các nước, ngoài lễ hội “người nhà với nhau”, có rất nhiều lễ hội bất kỳ ai cũng tham gia được. Một thí dụ điển hình là Lễ hội té nước cổ truyền diễn ra vào tháng 4 ở Thái Lan (gọi là Songkran), ở Myanmar (gọi là Thingyan), ở Lào (gọi là Pimai), ở Campuchia (gọi là Chaul Chnam Thmey). Trong ngày lễ té nước này, tất thảy mọi người, nhất là những người nước ngoài được tham gia hết mình và sung sướng thốt lên “vui khủng khiếp”, cho dù ai cũng ướt như chuột lột.

Ở châu Âu hầu hết các lễ hội trong năm ai cũng tham gia. Như Lễ hội ném cà chua của Tây Ban Nha (Tomatina), sử dụng hết 200 tấn cà chua; Lễ hội ném cam ở Italia diễn ra 3 ngày tiêu tốn 300.000 kg; Lễ hội bia Oktoberfest tại Đức sử dụng hàng triệu lít bia, thu hút vài triệu người tham dự; Lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha, lễ hội rựơu Vang được tổ chức rầm rộ ở hầu hết tất cả các nước châu Âu… Hay như Lễ hội ném bột mầu Holi, hay còn gọi là “Lễ hội Sắc màu” của người dân Ấn Độ, thu hút hàng triệu người tham dự.

Có thể thấy một trong số các đặc tính quan trọng của lễ hội là “đồng tham gia” (participation), chính nhờ điều này mỗi lễ hội thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu khách nước ngoài tham gia, và doanh thu từ những lễ hội ấy cực lớn.

Chẳng hạn doanh thu từ lễ hội Canaval của thành phố Rio De Janeiro (Brazil) lên đến hơn 1 tỷ USD. Năm 2024, Tổng cục Du Lịch Thái Lan cho biết Lễ hội Songkran thu được 2,7 tỷ USD, đủ cho thấy sức hấp dẫn của lễ hội cao đến mức nào. Chúng ta cần nghiên cứu để du nhập những lễ hội hiện đại và cải tiến một số lễ hội về quy mô và hình thức, để cho khách thập phương có thể cùng chơi, cùng vui.

TPHCM cho đến nay chưa có những chương trình hay lễ hội nào tạo điểm nhấn và thường niên, như “Lễ hội pháo hoa quốc tế” Đà Nẵng, hay “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” với hơn 2.000 drone. Lễ hội hay sự kiện được coi là điểm nhấn của năm, sẽ làm cho khách du lịch chú ý và nó sẽ được xuất hiện trong lịch trình của họ khi lên kế hoạch hàng năm.

Các tin khác