Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau hơn ba năm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp và hai năm tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới đã diễn ra hết sức sôi động và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực DNTN diễn ra sôi động. Hiện có khoảng 3000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động. Trong đó có nhiều startup thành công, được rót vốn hàng triệu đô từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy hoạt động khởi nghiệp ở cả trung ương và địa phương còn mang tính phong trào, bề nổi và tự phát. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” thiếu cơ chế và nguồn vốn hỗ trợ các hoạt động, do đó các DNNVV chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ sở đào tạo, đặc biệt các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm. Hiện tại, chỉ 21% DNNVV Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% DNNVV đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng FDI được đầu tư trong nước là rất lớn.
Thực tế này đòi hỏi Chính phủ phải có những chiến lược, hướng đi và cách làm mới, đột phá để có thể tạo ra những thay đổi cơ bản của cả hệ thống, thông qua thúc đẩy các mối liên kết và kết nối giữa DNNVV trong nước và các chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự tăng trưởng tốt và bền vững cho cả nền kinh tế.
Hỗ trợ khoảng 500 doanh nghiệp tham gia Chương trình gọi vốn thành công
Dự thảo nêu rõ về nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, Chương trình hỗ trợ để đạt được các mục tiêu sau: Hoàn thiện và đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); hỗ trợ phát triển 15-20 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo DNNVV, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ khoảng 3.000 DNNVV khởi nghiệp từ các ý tưởng, mô hình kinh doanh sáng tạo; hỗ trợ khoảng 500 doanh nghiệp tham gia Chương trình gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào các ngành, lĩnh vực: 1. Công nghệ trong lĩnh vực ICT như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Đô thị thông minh (Smart City); 2. Công nghệ tài chính-ngân hàng (Fintech); Thương mại điện tử; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; 3. Giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, du lịch; 4. Công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Giải pháp hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021-2025
Dự thảo đề xuất các giải pháp hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021-2025 gồm: Hỗ trợ kinh phí cho các Bộ ngành trung ương, trường đại học/cơ sở đào tạo, các địa phương để xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở mặt bằng; trang bị hệ thống máy móc, phòng nghiên cứu, thí nghiệm cho vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo/trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp/không gian làm việc chung... để hỗ trợ khởi nghiệp.
Hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung sử dụng các cơ sở vật chất/cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; Hỗ trợ đào tạo DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Xây dựng các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm: Hỗ trợ chi phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Hỗ trợ chi phí hợp đồng ứng dụng, chuyển giao công nghệ...