Dự thảo mới cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn hoặc hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu. Việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành đã công bố.
Dự thảo cũng có quy định, trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.
Việc chuyển đổi này phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp đồng thời phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đáng chú ý, Dự thảo cũng ngưng hiệu lực thi hành với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31-12-2023. Trong đó có quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, tức chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và giảm thời gian phân phối trái phiếu từng đợt xuống còn 30 ngày cũng được ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2023.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê đến ngày 31-1, thị trường TPDN chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong năm 2023. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được phát hành vào tháng 12-2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng. VBMA dự báo áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.