![]() |
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 76 ngày 9-5-2007 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không nói chung.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất nâng vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo đó, trong số 3 mức vốn pháp định tối thiểu để gia nhập thị trường được đề cập tại dự thảo, các hãng khai thác từ 2 đến 10 tàu bay sẽ phải có tối thiểu 700 tỷ đồng nếu muốn mở đường bay quốc tế (quy định cũ là 500 tỷ đồng) và 300 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa (quy định cũ là 200 tỷ đồng).
Mặt khác, trong suốt quá trình kinh doanh, nếu cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện thiếu vốn mà không đáp ứng được yêu cầu quy định thì giấy phép kinh doanh sẽ bị hủy bỏ.
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh vừa qua Jetstar Pacific, Indochina Airlines gặp khó khăn, không duy trì được vốn pháp định nên không thanh toán được chi phí cho các dịch vụ của mình.
Liên quan tới điều kiện về vốn đối với hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài (quy định trong điều 11 của dự thảo), Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án.
Theo phương án thứ nhất, hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện là bên nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ; một cá nhân/pháp nhân Việt Nam phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Còn theo phương án thứ hai, hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện là bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ đối với hãng hàng không; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 20% vốn điều lệ; một cá nhân hoặc pháp nhân Việt Nam phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Đối với phương án thứ hai, Bộ GTVT thừa nhận, đầu tư nước ngoài bị hạn chế, nhưng bù lại, sẽ hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp thành lập hãng hàng không trên giấy chỉ với mục đích bán cổ phần thu lợi, như trường hợp hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines), Trãi Thiên.
Ngoài ra, dự thảo quy định bộ máy điều hành của hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép có dưới 1/3 là người nước ngoài. Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 1 năm kể từ ngày kinh doanh khai thác.