Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ với đại dịch, tâm dịch TPHCM có hơn 15.300 người qua đời vì Covid-19. Tại TPHCM, nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào qua đời vì Covid-19 cũng đã diễn ra trong thời gian qua. Trước đó, sáng 24-8, trong kỳ họp thứ 2 của HĐND TPHCM khóa X, sau lễ chào cờ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các bệnh nhân Covid-19 qua đời trên địa bàn TPHCM.
Cũng tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã gửi lời tri ân sâu sắc đến các lực lượng tuyến đầu. Trước hết là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ, hệ thống chính trị cơ sở cùng các lực lượng hỗ trợ khác và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm chăm sóc, cứu chữa, giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Một lần nữa, xin tất cả chúng ta hãy dành những giây phút lắng đọng nhất để thành tâm cầu nguyện đến những người đã mất, chia sẻ nỗi đau tột cùng của những gia đình có người thân qua đời, những trẻ em không còn cha mẹ, người thân vì đại dịch”.
Sáng 5-9, TPHCM tổ chức trực tuyến lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại điểm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5). Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo TPHCM, Sở GD-ĐT cùng thầy, cô giáo và đại diện học sinh cho 3 khối lớp. Sau lễ chào cờ, lãnh đạo TPHCM cùng các thầy, cô giáo và học sinh đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì đại dịch Covid-19. Các ngành, các cấp, các lực lượng cũng có nhiều hoạt động tưởng niệm. Mới đây nhất, chiều 2-10, Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp tổ chức tưởng niệm và bàn giao tro cốt các nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19 thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ cho Cục Chính trị Quân khu 9…
Trên thế giới, từ tháng 5-2020, Tây Ban Nha đã tổ chức quốc tang trong 10 ngày, khi con số tử vong vì Covid-19 của nước này lên đến 30.000 người. Trong khoảng thời gian quốc tang dài nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, các cơ quan, tòa nhà đều treo cờ rủ. Chỉ trước đó 1 tháng, Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân và những người đã hy sinh vì Covid-19, trong đó có lực lượng y tế tuyến đầu.
Ngày 18-4 năm nay, nước Đức tổ chức lễ tưởng niệm cấp quốc gia cho 80.000 người thiệt mạng vì Covid-19 trong khi vẫn đang chống chọi với làn sóng dịch thứ 3. Argentina cũng dành 5 ngày để cả nước tưởng niệm nạn nhân Covid-19. Khắp các quốc gia trên thế giới, thảm kịch Covid-19 đã càn quét và cướp đi hơn 4,8 triệu sinh mệnh, tính đến ngày 4-10.
Covid-19 cũng đẩy hơn 20.000 gia đình của đồng bào Việt Nam vào nỗi đau ấy. Những cái chết trong cô đơn và vội vã. Những đám tang không kèn không trống, không người tiễn đưa.
Chỉ riêng TPHCM, hơn 1.500 trẻ em đã trở nên côi cút do mất người thân trong đại dịch. Nỗi đau, mất mát từ Covid-19 khiến cho người ở lại phải đối mặt với những tổn thương tinh thần và thể chất kéo dài.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng lắng lại, chọn ra một ngày trong năm để tưởng niệm. Một ngày để tất cả cùng hướng lòng về những đồng bào đã đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19, đồng thời góp phần xoa dịu niềm đau đối với những người còn sống sau bao tháng ngày thương tổn vì dịch Covid-19.