Đề xuất tăng trưởng GDP 2013 khoảng 6%

Hôm nay và ngày mai (5 và 6-9-2012), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, dự kiến, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 sẽ được thảo luận.

Hôm nay và ngày mai (5 và 6-9-2012), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, dự kiến, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 sẽ được thảo luận.

Có một điểm khác biệt khá lớn trong mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2013, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo để trình Chính phủ, đó là bên cạnh hai mục tiêu hàng đầu - vốn đã được đặt ra khá thống nhất trong những năm gần đây - là duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, lần đầu tiên, câu chuyện “khôi phục niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân vào môi trường đầu tư, kinh doanh” đã được đề cập.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đã nhấn mạnh điều này. Theo ông, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay chính là niềm tin có phần bị sứt mẻ và điều quan trọng hơn hết trong lúc này là phải lấy lại sự cân bằng kinh tế vĩ mô, khôi phục lại niềm tin của người dân và DN.

“Nếu tin là ngày mai kinh tế sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn, lãi suất sẽ hợp lý hơn, tiêu thụ hàng hóa trôi chảy hơn, chính sách minh bạch hơn, thông thoáng hơn, thì DN mới có lòng tin để bỏ vốn ra làm ăn”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.

Thừa nhận điều này, chính Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng cho rằng, tại thời điểm hiện nay, niềm tin của DN khá thấp và nó thể hiện ở việc không nhiều DN sẵn sàng mở rộng kinh doanh và đầu tư.

Kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, lãi suất cao, sức mua suy giảm…, khiến sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. 7 tháng đầu năm 2012, có hơn 30.300 DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tuy đây là cơ hội để sàng lọc DN thông qua cạnh tranh, là cơ hội để DN cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, song cũng cho thấy, sự đuối sức của hệ thống DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Và đây cũng là một trong những lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi xây dựng Kế hoạch năm 2013, chỉ đề xuất mức tăng trưởng GDP khoảng 6%.

Thực tế, ban đầu, có hai phương án được đưa ra. Đó là tăng trưởng GDP ở mức 5,5 - 6 hoặc 6 - 6,5%. Tuy nhiên, cuối cùng, phương án hợp lý được lựa chọn là 6%, để từ đây xây dựng các cân đối lớn khác của nền kinh tế.

Trao đổi về điều này, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhìn vào “nút nghẽn” của nền kinh tế cho đến nay chưa được giải tỏa, như “tắc mạch” tín dụng, những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…, thì khó có thể kỳ vọng mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2013.

“Chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh của khoảng 700 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán để thấy rằng, nếu trong giai đoạn 2008 - 2011, lợi nhuận trước thuế của họ luôn ở mức 11 - 12%, thì nửa đầu năm nay, con số này chỉ khoảng 5%.

Trong khi lãi suất khó hạ xuống dưới mức 10%, thì chỉ nhìn vào khả năng tạo ra lợi nhuận, cũng thấy động lực cho việc thúc đẩy sản xuất của các DN trong những tháng cuối năm là rất thấp và vì thế, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của năm 2013”, ông Hùng nói và nghiêng về mục tiêu tăng trưởng 5,5 - 6% trong năm tới.

Dư nợ tín dụng 8 tháng đầu năm vẫn ì ạch, trong khi đầu tư toàn xã hội chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng - hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - là lý do khiến các chuyên gia kinh tế băn khoăn về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cũng như khả năng đạt con số tăng trưởng cao trong năm tới - do độ trễ của chính sách.

Còn theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm khoảng 4,8%; cả năm ước đạt 5,3 - 5,6%.

Trong khi đó, mục tiêu lạm phát của năm 2013 cũng được dư luận quan tâm. Khá nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra liên quan tới mục tiêu này. Lo quy luật hai năm tăng, một năm giảm, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, lạm phát năm tới có thể sẽ lên tới 2 con số. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối cùng đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2012 bằng, hoặc thấp hơn năm 2012 (khoảng 7 - 8%).

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, mục tiêu lạm phát trong năm tới nên đặt ra ở mức một con số. “8 tháng đầu năm 2012, lạm phát mới chỉ là 2,86%, dư địa điều hành cho cả năm còn rất lớn. 4 tháng cuối năm, nếu mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1%, thì cả năm, lạm phát cũng chỉ khoảng 7%.

Nhưng theo quy luật, năm nay, lạm phát thấp, thì năm sau lạm phát sẽ cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu đặt mục tiêu chỉ bằng, hoặc thấp hơn năm ngoái thì sẽ rất khó”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Các tin khác