Trang tin Đa Chiều ngày 9/4 dẫn nguồn của hãng tin Pháp AFP ngày 8/4, chính phủ Phần Lan cùng ngày đã thừa nhận hơn 2 triệu khẩu trang phẫu thuật và bảo vệ được họ mua từ Trung Quốc không phù hợp để sử dụng trong câc bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Phần Lan Aino Kaisa Pekonen ngày 7/4 đã đăng một bức ảnh lên Twitter cho thấy lô hàng đầu tiên của Phần Lan trong số 2 triệu khẩu trang dùng cho phẫu thuật và 230.000 khẩu trang bảo vệ được đặt mua của Trung Quốc đã được máy bay của Hãng hàng không Phần Lan Finnair chở về đến sân bay Helsinki và nói chúng sẽ được kiểm tra trước khi sử dụng.
Tin cho biết, các quan chức Phần Lan ngày 8/4 đã phát hiện những chiếc khẩu trang này không đáp ứng được các tiêu chuẩn sử dụng để phòng ngừa virus Corona mới trong điều kiện điều trị y tế. Bà Kirsi Varhila, Thư ký thường trực của Bộ Y tế Phần Lan, nói trong buổi họp báo: “Tất nhiên điều đó đã khiến chúng tôi thất vọng”.
Tuy nhiên, bà cho biết, những chiếc khẩu trang này vẫn có thể được sử dụng trong việc chăm sóc tại nhà và những người chăm sóc đến thăm người bệnh được cách ly tại nhà.
Ông Tomi Lounema, quan chức phụ trách chuẩn bị vật tư của Phần Lan, đã chỉ rõ trong cuộc họp báo rằng, do “sự cực kỳ hỗn loạn” của thị trường khẩu trang Trung Quốc, các nước châu Âu khác mua vật tư y tế của Trung Quốc cũng đã gặp phải vấn đề tương tự. Lounemar nói: “Giá đã tăng liên tục và cần phải được đặt hàng nhanh chóng và thanh toán trước. Rủi ro thương mại là rất cao”.
Được biết, trong những tuần gần đây, các nước châu Âu như Hà Lan, Bỉ...đã cáo buộc khẩu trang mua từ Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn và có vấn đề về chất lượng. Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh ngày 2/4 đã trả lời rằng các cơ quan truyền thông Hà Lan nói “khẩu trang Trung Quốc có vấn đề về chất lượng”. Theo bà, qua điều tra sơ bộ của các nhà chức trách Trung Quốc, các khẩu trang đã được các đại lý Hà Lan tự tìm mua, rằng “công ty Trung Quốc trước khi giao hàng đã thông báo cho phía Hà Lan rằng những khẩu trang này là không phải khẩu trang y tế” và các thủ tục khai báo hải quan cũng được Trung Quốc thực hiện dưới tên “khẩu trang không dùng trong y tế”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 3/4 cũng điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói, Trung Quốc luôn coi trọng chất lượng sản phẩm xuất khẩu và đã đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ. Hiện tại, các doanh nghiệp đủ điều kiện đang hoạt động hết công suất để sản xuất, đáp ứng nhu cầu của các nước về vật tư y tế. Ông nói, các bên nên giải quyết những bất đồng trong quá trình mua hàng hóa thông qua thương lượng bình đẳng với thái độ thực sự cầu thị. Mọi sự kỳ thị sản phẩm theo tên gọi đều không có lợi cho sự hợp tác chống dịch.
Lần này, trước phản ứng của phía Phần Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng trong cuộc họp báo ngày 9/4: “Qua tìm hiểu sơ bộ của chính quyền Trung Quốc, phía Phần Lan đã tự mua hàng hóa thông qua một công ty trung gian và công ty này xin phép hải quan Trung Quốc cho xuất khẩu dưới tên khẩu trang phi y tế. Chúng tôi sẽ xác minh thêm tình hình liên quan”.
Ông cũng mong bên ngoài “đừng dễ dàng đưa ra kết luận khi sự thật chưa được điều tra làm rõ”. Trong tình hình chống dịch toàn cầu hiện nay, các công ty liên quan của Trung Quốc làm việc tăng ca suốt ngày đêm để tích cực cung cấp các loại vật tư chống dịch cho cộng đồng quốc tế.
Trước đó, theo International Business Times ngày 4/4, các quan chức của Trung Quốc đã yêu cầu Pakistan mở biên giới để cho phép các vật tư y tế do chính quyền Khu tự trị Tân Cương quyên tặng nhập cảnh Pakistan. Thư của Đại sứ quán Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Pakistan nói các vật tư quyên tặng bao gồm 200.000 khẩu trang thông thường, 2.000 khẩu trang N95, 2.000 bộ quần áo bảo hộ, 5 máy thở và 2.000 hộp dụng cụ xét nghiệm.
Tuy nhiên, bài báo viết, “hàng viện trợ y tế chất lượng cao” mà Trung Quốc tuyên bố lại là khẩu trang N95 “làm bằng áo ngực phụ nữ”, không giúp ích gì cho Pakistan. Một nữ phát thanh viên dẫn chương trình của Kênh Tin tức Pakistan khi đưa tin đã tức giận hét lên “China ne chuna laga diya”, nghĩa là “Trung Quốc thực sự đã lừa dối chúng ta”..
Đoạn video về phát biểu của nữ MC truyền hình trên đây được chia sẻ trên Twitter, đã gây nên phản ứng mạnh mẽ. Có người dùng internet để lại lời bình “Chúng tôi cần khẩu trang, không phải áo ngực”.