Đền Taj Mahal - Biểu tượng tình yêu vĩnh hằng

Đền Taj Mahal - Biểu tượng tình yêu vĩnh hằng

Không chỉ được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới mới, đền Taj Mahal còn là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng, niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ hàng trăm năm qua.

Vị hoàng đế si tình

Đền Taj Mahal là khu lăng mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahah, vợ của hoàng đế Shah Jahan. Vào năm 1612, vua Shah Jahan lấy vợ thứ ba là hoàng hậu Mumtaz Mahal. Ngài lên ngôi vua năm 1627 của đế quốc Mogol ở tiểu lục địa Ấn Độ. 2 người chung sống với nhau trong 19 năm và có tới 14 người con. Năm 1632, sau khi sinh người con thứ 14 thì hoàng hậu Mumtaz Mahal qua đời. Trước khi rời xa mãi mãi, hoàng hậu có trăng trối với nhà vua Shah Jahan: “Bệ hạ hãy hứa với thiếp rằng sẽ xây dựng một lăng mộ xứng đáng với tình yêu của chúng ta”.

Sau khi hoàng hậu qua đời, nhà vua vô cùng đau buồn, tóc và râu của ngài trở nên bạc trắng chỉ sau một đêm. Lúc còn sống, hoàng hậu luôn kề cận bên chồng thậm chí trong cả những cuộc chinh phạt gian khổ nơi sa trường. Vì vậy, nhà vua quyết tâm thực hiện lời trăng trối của hoàng hậu, xây dựng một lăng mộ “xứng đáng với tình yêu của chúng ta” để tặng người vợ yêu dấu. Nhà vua đã huy động 20.000 nhân công, thợ thủ công tay nghề cao khắp đất nước và hơn 1.000 con voi để chở vật liệu, làm việc không ngừng nghỉ trong 16 năm (1632-1648) để hoàn thành khu lăng mộ.

Nhiệm vụ thiết kế lăng mộ được nhà vua giao cho kiến trúc sư Ustad Tsa người Iran phụ trách. Ustad Tsa được cho là kiến trúc sư giỏi nhất thời kỳ đó và nhà vua đã phải mất nhiều công sức mới mời được Ustad Tsa thiết kế và giám sát xây dựng lăng mộ. Ban đầu, lăng mộ có tên gọi là Tat Bibica Rauza, có nghĩa là “nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim”. Về sau, lăng mộ mới mang tên là Taj Mahal, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “Vương miện của người Mogol”.

Tuy nhiên, do quá mải mê xây lăng mộ cho hoàng hậu mà nhà vua bỏ bê triều chính. Thậm chí đến lúc cuối đời, ông còn bị con trai giam lỏng trong một căn phòng ở Agra Fort. Ở đó, hàng ngày, ngài Shah Jahan luôn trông về phía đền Taj Mahal, nơi người vợ yêu dấu đang yên nghỉ cho đến khi chính ông cũng qua đời.

“Viên ngọc đổi màu” bên dòng sông Yamuna

Đền Taj Mahal được xây dựng chủ yếu từ đá cẩm thạch trắng và một số loại đá quý khác được khai thác từ nhiều nơi trên thế giới. Đá cẩm thạch sau khi được vận chuyển một quãng đường rất xa từ vùng Rajasthan về, được thợ vẽ và đục theo các đường nét. Đá quý nhiều màu cũng được mài cho vừa với phần rỗng đã được đục trước đó trên đá cẩm thạch, sau đó khảm nhẵn mịn để tạo thành một khối thống nhất.

Vì vậy, đền Taj Mahal có thể đổi màu theo ánh nắng và thời tiết. Có những lúc sẽ thấy ngôi đền màu trắng sáng, có lúc sẽ có màu vàng nhạt và cũng có lúc có màu nâu đất. Ngôi đền Taj Mahal càng trở nên thơ mộng và trang nghiêm khi soi bóng dưới dòng sông linh thiêng Yamuna. Tuy nhiên gam màu trắng vẫn là gam màu thường thấy nhất ở đền Taj Mahal, màu trắng cũng thường là màu chủ đạo của các kiến trúc Hồi giáo. Đền Taj Mahal có lối kiến trúc đối xứng nhau rất hoàn hảo trên nền móng hình vuông. 2 bên sườn là nhà thờ Hồi giáo, trung tâm là ngôi đền với các mái vòm cân xứng nhau, giữa các mái vòm là một mái vòm lớn và cao nhất.

Được xây dựng trong thời gian dài, từng chi tiết nhỏ đều được người thợ làm rất tỉ mỉ, xứng đáng là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật thế giới. Những cột đá chỉ cách 3cm vuông lại được chạm khắc tới 50 viên đá quý. Ngay dưới mặt sàn còn được lát đá cẩm thạch và chia thành ô đen trắng. Còn 4 tháp ở 4 góc đền cao đến hơn 40m. Khu vườn cũng có một diện tích 320 x 300m với hồ nước ở trung tâm cũng được ốp lát bằng đá cẩm thạch.

Lăng mộ Taj Mahal chỉ có một lối vào và một lối ra cho du khách, còn lại các cửa đều đóng. Vẻ đẹp của Taj Mahal còn nằm ở sự kết hợp khéo léo giữa các vật liệu rắn và khoảng trống, lồi và lõm cùng với nguyên liệu đá quý. Đền Taj Mahal có phong cách kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc Ba Tư, Trung Á và Hồi giáo, bao gồm 5 khu: Darwaza (cổng chính), Bageecha (không gian vườn), Masjil (nhà thờ Hồi giáo), Naqqa Khana (nhà nghỉ) và Rauza (lăng Taj Mahal).

Phần lăng mộ là khu vực du khách không được phép chụp ảnh và cần giữ trật tự. Khu vực này có 2 ngôi mộ của vua Shah Jahan (phải) và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Mộ của hoàng hậu được đặt chính giữa còn mộ của vua đặt ở bên cạnh vì sau khi nhà vua mất, con trai mới đặt ngài an nghỉ cạnh hoàng hậu, tạo nên một sự không đối xứng duy nhất trong lăng.

Đền Taj Mahal được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1983. Và được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới vào năm 2007. Một số tài liệu còn mô tả đền Taj Mahal là một “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.

Để có thể di chuyển đến Taj Mahal, du khách có thể mua vé máy bay của hãng hàng không Indigo bay từ Hà Nội hoặc TPHCM đến Kolkata (thủ phủ của bang Tây Bengal), rồi bay các chuyến nội địa tiếp theo hoặc du khách có thể lựa chọn bay thẳng đến thủ đô New Delhi. Đền Taj Mahal nằm ở thành phố Agra và cách thủ đô New Delhi khoảng 230km tương đương khoảng 4 giờ lái ô tô.

Các tin khác