Hơn một tuần nay, chị Hoa liên tục nhận được mail tuyển dụng đầu năm trong đó, công việc tại các doanh nghiệp bán lẻ, dệt may chiếm số lượng nhiều nhất.
"Chỉ trong 2 ngày mà tôi nhận được cả 5 mail tuyển dụng, trong đó gần một nửa số lượng thuộc về tập đoàn bán lẻ của châu Âu với khá nhiều vị trí tuyển dụng từ nhân viên cho tới quản lý cấp cao. Trong khi, trước đó, tôi phải khó nhọc đi tìm thông tin tuyển dụng trên các website tìm việc", chị Hoa nói.
Linh, nhân viên tại một công ty dệt may ở khu chế xuất Linh Trung cho biết năm ngoái chị phải tất bật tìm việc mới trong ngành dệt may thì năm nay trước Tết Nguyên Đán chị thoải mái xin nghỉ sớm vì đã nhắm và ứng tuyển vị trí mới tại một công ty mới tại huyện Hooc Môn (TP HCM) với mức lương dao động 8-15 triệu đồng, cao hơn công ty cũ.
"Năm nay, ngành dệt may không chỉ các doanh nghiệp Việt mà nước ngoài cũng mở rộng đầu tư nên lượng tuyển dụng ồ ạt. Vì vậy, để kiếm một công việc mới phù hợp tương đối dễ dàng", Linh chia sẻ.
Giám đốc một công ty dệt may TP HCM cũng lo ngại nhân sự sau Tết của công ty sẽ thiếu hụt tới 20%. Bởi lẽ, theo vị này, trước Tết rất nhiều nhân viên xin nghỉ Tết sớm hơn so với lịch nghỉ 3-4 ngày.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết năm 2015 tập đoàn này dự kiến cần tới hơn 3 triệu lao động. Do vậy, nếu các doanh nghiệp không có chiến lược giữ chân người lao động bằng các chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt thì thiếu lao động là điều khó tránh khỏi.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, năm nay Việt Nam ký kết TPP và gia nhập Cộng đồng ASEAN (ACE) nên môi trường kinh doanh gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng cạnh tranh gay gắt, đặc biệt, rất nhiều đơn vị mở rộng đầu tư nên nguồn lực thiếu hụt nhiều, thậm chí sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhân sự cấp cao dù lượng này đang khan hiếm.
"Nhân sự cấp cao vốn đã thiếu giờ lại càng thiếu hơn, trong khi đó nguồn lực này thực chất vẫn chưa đạt chuẩn, trong khi, mức lương để kéo họ ở lại với ngành chưa thực sự hấp dẫn. Nhân sự sau Tết có thể sẽ thiếu hụt khoảng 5-10%", ông Hồng nói thêm.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến sẽ tăng so trong tháng 2 tháng đầu năm. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng khoảng 23.000 chỗ làm việc, tập trung nhiều trong các nhóm ngành nghề như: Dệt may-Giày da, Chế biến thực phẩm, Nhựa-Bao bì, Xây dựng, Công nghệ thông tin,...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm cho hay, trên thực tế lao động ngành dệt may còn vướng nhiều rào cản, đặc biệt khu vực TP HCM. Phần lớn người lao động di chuyển từ tỉnh, thành phố khác, đa số ở khu vực phía Bắc, Trung vào, vì vậy tình trạng dịch chuyển lao động luôn diễn ra. Trong khi đó, nguồn lao động ngành dệt may chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo vì vậy doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian cho công tác đào tạo. Theo thống kê, chỉ có khoảng 15% lao động trong ngành này có trình độ từ trung cấp trở lên, vì vậy tình trạng thiếu hụt lao động, mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra.
Dự báo của Trung tâm nguồn nhân lực cũng cho thấy các năm tới, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước. Dự kiến Nhu cầu nhân lực ngành dệt may khu vực phía Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực một năm khoảng 60.000 chỗ việc làm trống (kể cả chỗ làm việc mới và chỗ làm việc thay thế), tăng mạnh so với thời kỳ trước. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 50%, công nhân kỹ thuật chiếm 30%, lao động có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trở lên chiếm 20%.
Ngoài dệt may, 2015, nhân sự cấp cao trong các ngành khác như tài chính-ngân hàng, bất động sản, bán lẻ cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.