Gần 70% doanh nghiệp bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết dịch Covid-19 đã khiến nhiều tỉnh/thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày cũng phải đóng cửa thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8 giảm 15,9% so với tháng 7 và tháng 9 tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8 năm 2021.
Ngay trong tháng 9 -2021, nhóm hợp tác công tư ngành dệt may - da giày đã khảo sát 256 doanh nghiệp trong ngành và hàng trăm công nhân, để nắm rõ hơn tình hình các doanh nghiệp trong làn sóng Covid-19 năm 2021.
Chia sẻ về khảo sát này, Ts Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động (ERC) cho biết với những doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ thì chi phí phải gánh là rất lớn.
Cụ thể, doanh nghiệp phải chi thêm trung bình 2,2 triệu đồng/tuần cho 3 khoản, gồm phụ cấp, ăn ở và xét nghiệm. Như vậy nếu duy trì sản xuất 3 tại chỗ cho 1.000 lao động, doanh nghiệp phải chi thêm 2,2 tỷ đồng/tuần để sản xuất, kinh doanh. Với khoản chi phí tăng thêm quá lớn này khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước không đủ lực duy trì sản xuất, buộc phải đóng cửa.
Trước khó khăn ấy, nhiều doanh nghiệp đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hẹn. Gần 70% doanh nghiệp bị nhãn hàng phạt giao hàng chậm, 12,2% doanh nghiệp bị nhãn hàng huỷ đơn phải đền hợp đồng. Các doanh nghiệp cho biết các đơn hàng mùa mới 2022 đã bị tạm dừng, hoặc giảm số lượng.
Khảo sát lần này cũng đã ghi nhận ý kiến của một số nhãn hàng. Theo một nhãn hàng có 100 nhà cung ứng ở Việt Nam, thì: "Việt Nam vẫn là nước cung ứng số 1 của chúng tôi và điều đó không thay đổi. Nhưng đợt giãn cách vừa qua cho thấy rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một quốc gia. Việc chúng tôi có chuyển đơn hàng đi hay không phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tái mở cửa nhanh chóng hay không".
Nhiều thách thức khi mở cửa trở lại
Phải ngừng việc trong thời gian dài, nhiều lao động có triệu chứng bệnh lý căng thẳng, muốn về quê để phục hồi sức khỏe, tâm lý.
Thời điểm mua sắm cuối năm những thị trường xuất khẩu lớn của dệt may, da giày Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, chi tiêu cho quần áo trong mùa Giáng sinh ở Mỹ dự kiến tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tại EU, tiêu thụ quần áo tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Nhu cầu lớn nhưng các doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều khó khăn khi mở cửa sản xuất trở lại. Trong đó khó nhất phải kể đến vấn đề nguồn nhân lực. Ngoài ra, thiếu thống nhất giữa các địa phương và khó khăn về tài chính cũng khiến các doanh nghiệp lao đao.
Riêng với vấn đề người lao động, khảo sát đã chỉ ra những con số đáng chú ý. Có 60% người lao động đang làm việc bị giảm thu nhập do giãn ca, làm việc không liên tục. Đáng chú ý, có đến 62% người lao động ngừng việc.
Thiếu việc làm khiến cho 34,1% người lao động có triệu chứng bệnh lý căng thẳng. Trên 60% người lao động được hỏi muốn di cư về quê, và họ mong muốn hồi phục sức khỏe, tâm lý cho bản thân, con cái trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, có tín hiệu thuận lợi là 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy.
"Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung – cầu bên ngoài, mà do chính yếu tố trong nước. Trong đó, việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ", ông Trương Văn Cẩm nhìn nhận.
Các hiệp hội đều cho rằng để doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại thì cần có sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp để đưa lao động trở lại. Trong đó việc ưu tiên tiêm vaccine cho lao động là hết sức cần thiết.
Cùng với vấn đề thiếu nguồn lao động thì lưu thông giữa các địa phương cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam, cho biết hiện nay việc mở cửa trở lại của các doanh nghiệp vấp phải nhiều điều kiện phức tạp, trong đó việc di chuyển của người lao động giữa các địa phương còn khó khăn. Cần phải có sự thông suốt để các nhà máy có thể mở cửa trở lại.
Cũng theo bà Xuân, dịch đã tác động lớn đến các doanh nghiệp trong hai ngành, nhưng sau giai đoạn này tính chủ động của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng sẽ có kế hoạch xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro, để có thể đối mặt với nhiều tình huống khác trong tương lai.