Dệt may đối mặt nguy cơ 'bể' kế hoạch

(ĐTTCO) - 48 tỷ USD là mục tiêu đạt được kim ngạch xuất khẩu mà ngành dệt may đặt ra trong năm 2023. Thế nhưng khả năng ngành dệt may không đạt được vì đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. 

Ngày 25-10, tại Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Dệt may - VTG 2023 do Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, Hiệp hội Dệt may phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ý và Việt Nam tham gia.

Tập đoàn Tajima Nhật Bản - hãng dẫn đầu trong máy thêu toàn cầu đang trình diễn máy thêu 20 đầu tự động hoàn toàn

Tại triển lãm, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ ước tính đến hết tháng 9, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9%. Bước sang tháng 8, đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may khó đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm.

Lý giải vấn đề này, nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, trong đó chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt lao động gần đây; ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển hóa dây chuyền sản xuất theo hướng tự động; sản xuất số hóa và xanh hóa nên thị phần xuất khẩu bị giảm mạnh.

Bà Judy Wang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers, cho rằng bất chấp nhiều thách thức mà ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt trong nửa đầu năm nay, đây là thời điểm quyết định để các doanh nghiệp tự chủ động đánh giá chất lượng của nhà máy, tiến hành kiểm tra toàn diện các dây chuyền sản xuất cũng như cơ chế quản lý, và tận dụng việc triển khai công cụ số hóa để nâng cao hiệu suất tổng thể và giảm chi phí, biến khủng hoảng này thành cơ hội cho chính mình.

Doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thuật xử lý vải

Tại triễn lãm, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị dệt may quốc tế lớn đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến nhất hiện nay như Tajima - hãng dẫn đầu trong máy thêu toàn cầu, Kyang Yhe - nhà sáng tạo máy dệt vải jacquard, SANSIN - tập đoàn sản xuất máy in số hàng đầu, và Epson - nhà dẫn đầu trong in ấn trên vải, máy nhuộm nhiệt độ cao RUN HAO (RH), và nhiều thương hiệu khác.

Sự hợp tác này nhằm mục tiêu thúc đẩy chia sẻ kiến thức, củng cố khả năng dệt và cải thiện hiệu suất sản xuất hàng may mặc tổng thể. Ngoài ra, sự chuyển đổi theo hướng nhà máy thông minh là phù hợp thực tiễn với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc số hóa quốc gia. Triển lãm sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 28-10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

Các tin khác