Đi lại sau khi áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP: Đã thông thoáng hơn

(ĐTTCO) - Ngày 20-10, thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, mặc dù đã có 48 địa phương đồng ý mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, nhưng lưu lượng vận tải vẫn chưa đạt như kỳ vọng. 

Sau khi các tỉnh, thành triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về từng bước thích ứng an toàn với Covid-19, hoạt động đi lại của người dân đã bắt đầu thông thoáng hơn. 

Phần lớn địa phương đã dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch ở khu vực giáp ranh, một số địa phương còn duy trì nhưng áp dụng tiêu chí theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Xe khách chỗ đông, chỗ ế

Ngày 20-10, ghi nhận tại Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng hành khách đã tăng lên đáng kể so với những ngày trước. Quầy bán vé của các nhà xe như Kumho, Chính Nghĩa, Toàn Thắng, Phương Trang… đã bán vé trở lại. 

Theo Phòng Kế hoạch Vận tải (Bến xe miền Đông), đến nay đã có 8 tỉnh, thành chấp thuận hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Trong ngày, có 40 xe đi từ TPHCM và 34 xe đi từ địa phương về Bến xe miền Đông.

Trong khi đó, tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) cũng rục rịch hoạt động trở lại, các quầy bán vé đã mở cửa với 4 nhà xe: Toàn Thắng, Huỳnh Gia, Phương Trang, Phú Vĩnh Long. Tuy nhiên khách còn vắng. Thông tin từ Bến xe miền Tây cho biết, đến ngày 20-10 đã có 6 tuyến xe khách liên tỉnh đi đến 3 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Vĩnh Long… với 9 chuyến/ngày. 

Đi lại sau khi áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP: Đã thông thoáng hơn ảnh 1Lưu thông qua lại chốt kiểm tra cầu Vĩnh Bình (giáp ranh giữa TP Thủ Đức, TPHCM và tỉnh Bình Dương) khá thông thoáng. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Trong khi đó, nhiều tuyến vận tải liên tỉnh, dù nhà xe đã sẵn sàng, nhưng vẫn vắng bóng hành khách. Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, sau 3 ngày thí điểm triển khai tuyến hành khách cố định từ Vĩnh Long đi TPHCM, lượt khách tham gia không cao. 6 chuyến xe trong những ngày qua, chỉ có khoảng 150 lượt khách; nguyên nhân do tâm lý hành khách còn khá e ngại khi nhu cầu chưa thật cần thiết. 

Trong ngày, ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 chợ Đệm (cao tốc TPHCM - Trung Lương),  hàng trăm ô tô cá nhân của người dân từ các tỉnh ĐBSCL trở lên TPHCM làm việc. Còn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Tân Túc (giáp ranh giữa tỉnh Long An - TPHCM), nhiều xe máy ghé khai báo y tế, xuất trình giấy tờ để thông chốt; ngoài ra còn có hàng chục xe buýt đưa công nhân từ các tỉnh ĐBSCL lên TPHCM.

Trên tuyến quốc lộ N2 (tỉnh Long An), mỗi sáng sớm, xe buýt đưa đón công nhân nối đuôi chạy theo hướng về TPHCM. Đứng đón xe ven quốc lộ N2, chị Trần Hà My cho biết, sau nhiều tháng nghỉ tránh dịch, nay chị đã được tiêm vaccine và công ty gọi trở lại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TPHCM) làm việc. 

Theo ghi nhận, lực lượng trực chốt tạo mọi điều kiện để người dân trở lại TPHCM làm việc. Trường hợp nào thiếu giấy tờ thủ tục thì được hướng dẫn khai báo, bổ sung cho phù hợp. 

Nơi chặt, nơi lỏng

Chiều 20-10, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang duy trì hoạt động của hơn 10 chốt kiểm dịch Covid-19, kiểm soát người vào địa bàn tỉnh. Người dân từ các địa phương khác muốn vào tỉnh Đồng Nai bắt buộc phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và giấy test âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. 

Liên quan đến việc yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19, chiều cùng ngày, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết, đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai bỏ quy định người dân vào Đồng Nai phải có giấy test âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. 

Trong ngày, tại một số chốt kiểm soát liên tỉnh giữa Bình Dương và TPHCM, việc đi qua các chốt kiểm soát dịch đã thuận tiện hơn. Tại chốt kiểm soát dịch ở khu vực cầu Phú Long, các hàng rào phân luồng, hạn chế di chuyển và các lều nghỉ ngơi của lực lượng chức năng vẫn được duy trì, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ đã rút bớt. Rất ít phương tiện qua lại giữa 2 địa phương phải dừng để kiểm tra. 

Còn tại khu vực giáp ranh giữa Tây Ninh và TPHCM, các chốt kiểm soát vẫn được duy trì, lực lượng chức năng vẫn kiểm soát thận trọng người ra vào tỉnh. Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài, sau ngày 21-10, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì kiểm soát dịch ở các khu vực giáp ranh, nhưng triển khai một cách khoa học, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để không gây khó khăn, cản trở việc đi lại của người dân.

Cùng ngày, tình hình lưu thông qua lại chốt kiểm tra cầu Vĩnh Bình (giữa TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương) diễn ra khá suôn sẻ. Theo ghi nhận, chốt kiểm tra ở khu vực 2 địa phương vẫn duy trì, lực lượng chức năng ứng trực nhưng không tổ chức kiểm tra giấy đi đường, quét mã QR code, kiểm tra kết quả xét nghiệm.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM vừa cho biết, 8 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối cho người dân đi lại, công nhân đi làm sẽ chính thức lăn bánh trở lại từ ngày 25-10. Các tuyến gồm: tuyến số 14 (Bến xe miền Đông - 3 Tháng 2 - Bến xe miền Tây); số 20 (Bến Thành - Nhà Bè); số 27 (Bến xe buýt Sài Gòn - Âu Cơ - Bến xe An Sương); số 29 (phà Cát Lái - chợ nông sản Thủ Đức); số 141 (Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung II); tuyến số 65 (Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - Bến xe An Sương); số 74 (Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi); số 79 (Bến xe Củ Chi - đền Bến Dược).

Các tin khác