Theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của tỉnh Quảng Ninh, dự án có diện tích 31,8ha (trong đó có 3,88ha thuộc vùng đệm vịnh Hạ Long) với phía Đông giáp biển, phía Tây giáp núi đá vôi, đầm Cây Giang, phía Nam giáp suối Lộ Phong và phía Bắc giáp núi đá vôi. Quy mô các hạng mục công trình bao gồm: 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề; các công trình thương mại dịch vụ, trong đó có các khách sạn 7 tầng.
Nghĩa là, khi dự án khu đô thị này hoàn thành, những núi đá vôi sẽ giống như hòn non bộ phục vụ riêng cho nhu cầu của các đại gia mua nhà nghỉ dưỡng ở đây. Dù phần lớn diện tích dự án thuộc vịnh Bái Tử Long, nhưng vẫn có một phần thuộc vùng đệm Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long được kiến tạo bởi hàng ngàn hòn đảo đá vôi lớn nhỏ, trập trùng giữa làn nước xanh ngọc lục bảo, tạo nên cảnh quan non nước hùng vĩ, ngoạn mục như tinh hoa sắp đặt của tạo hóa nhiều thế kỷ. Hệ thống hang, động đá vôi huyền ảo ẩn sâu dưới những cột đá được bao phủ bởi các thảm thực vật nhiệt đới, toát lên vẻ hoang sơ mà huyền bí, cùng với những dấu tích lưu lại của lịch sử phát triển Trái Đất, như cuốn hút du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến chiêm ngưỡng và khám phá.
Với những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao, lần đầu tiên vào năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long một lần nữa được vinh danh như chứng tích của quá trình trái đất kiến tạo trong hàng tỷ năm, làm nên những giá trị địa chất địa mạo có một không hai.
Vậy mà một dự án thuộc địa bàn phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả lại ngang nhiên xâm lấn vùng đệm vịnh Hạ Long, tránh sao khỏi bức xúc dư luận?
Như một biện pháp chữa cháy, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh phạt chủ đầu tư dự án 125 triệu đồng vì 2 vi phạm trong lĩnh vực môi trường, là không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, và chưa thi công hệ thống kè bao quanh nhưng đã đổ đất đá xuống vùng nước ven bờ thuộc ranh giới quy hoạch dự án, chưa nạo vét bùn tại vị trí đổ đất khiến lượng bùn bị thủy triều cuốn ra xa.
Thế nhưng, hình ảnh phản cảm của dự án “kỳ cục” cạnh kỳ quan, đâu thể giải quyết đơn giản như vậy. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra dự án.
Ngay lập tức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân ký văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị chỉ đạo rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án để có biện pháp xử lý thỏa đáng.
Chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm để chấn chỉnh tình trạng xâm lấn vùng đệm vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, có sự thật không thể biện hộ rằng dự án này không liên quan đến công tác bảo tồn Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long. Bởi lẽ, khi vùng đệm không được gìn giữ cẩn thận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của vịnh Hạ Long.
Không ít lần đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra cảnh báo về những tác động môi trường, cảnh quan do ảnh hưởng của việc lấn biển tới vịnh Hạ Long. Đại diện UNESCO tại Việt Nam từng khuyến nghị để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long, chính quyền và ngành chức năng phải có chiến lược nhằm bảo vệ di sản trước sự quá tải của cung và cầu, đồng thời cần khai thác hài hòa, bền vững.
Nếu căn cứ theo địa giới hành chính, dự án này chủ yếu nằm trong vịnh Bái Tử Long. Do chưa được công nhận quốc tế như vịnh Hạ Long, nên số phận vịnh Bái Tử Long được định đoạt bởi lòng tham lam và sự ích kỷ chăng? Không thể, vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như rừng ngập mặn, rạn san hô, tùng áng, rừng cây nhiệt đới.
Núi đá tại vịnh Bái Tử Long khá giống với vịnh Hạ Long nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Xây dựng công trình để chiếm hữu vịnh Bái Tử Long và xâm lấn vùng đệm vịnh Hạ Long đều không thể bào chữa cho thái độ xem thường di sản thiên nhiên.
Ngày 16-9 vừa qua, tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Cho nên, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không chỉ có diện tích 1.553km2 bao gồm 1.969 hòn đảo, mà được mở rộng ra cả quần đảo Cát Bà.
Việc mở rộng này làm tăng thêm giá trị vốn có của Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long. Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu vực được xác định gồm các kiến tạo vật lý và sinh học; kiến tạo địa chất, địa lý và là môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa theo quan điểm thẩm mỹ, khoa học và bảo tồn.
Vì vậy, không ai có thể nhân danh phát triển kinh tế để ủng hộ dự án này, mà trách nhiệm trước mắt là phải trả nguyên trạng vẻ đẹp của vịnh Bái Tử Long và vùng đệm vịnh Hạ Long, nhằm thiết lập quần thể vịnh Hạ Long gồm cả vùng lõi và vùng đệm đúng tầm vóc di sản thiên nhiên thế giới.
Cũng nên nhắc lại, các di sản thiên nhiên được công nhận là khu bảo tồn quan trọng nhất của hành tinh, mang lại lợi ích hỗ trợ cuộc sống cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Vì vậy, Công ước Di sản thiên nhiên năm 1972 đã có nhiều khuyến nghị và yêu cầu các quốc gia bảo vệ và gìn giữ, quản lý và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên.
Bởi lẽ, di sản thiên nhiên không thể phục vụ lợi ích riêng. Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, càng phải được bảo tồn và phát huy hướng tới lợi ích chung của quốc gia và nhân loại.
Đã đến lúc Việt Nam phải thể hiện tư cách thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, bằng cách chung tay bảo vệ vịnh Hạ Long trước thực trạng các di sản thiên nhiên đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác và các mối đe dọa khác.