Đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu lắng dịu dù có sự nỗ lực của chính quyền các địa phương cùng người dân trong kiểm soát dịch bệnh.
Chỉ rất ít địa phương ban bố lệnh giãn cách, còn phần đông đều duy trì hoạt động đời sống xã hội bình thường song song với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, nhịp sống sôi động cùng những sinh hoạt thường ngày ở các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, đã có sự thay đổi.
Các hoạt động mua sắm, trao đổi thương mại, các dịch vụ ăn uống, giải trí... kể cả các khu chợ dân sinh, khu vực bán lẻ hay các siêu thị dường như vắng vẻ.
Người dân mua sắm tại chợ Cồn (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục có những giải pháp tích cực và mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng trong nước và đề xuất giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) có thể là một sự lựa chọn.
Điều này đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng và người tiêu dùng; đồng thời, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp giải phóng hàng hóa, tránh tình trạng tồn kho và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Thực tế, sau đợt dịch đầu tiên, đề xuất giảm thuế VAT từng được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung nội dung vào dự thảo Nghị quyết “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của nhiều hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và một số đại diện cơ quan, ban ngành.
VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Với doanh nghiệp, toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ với thuế VAT đầu ra khi xác định số thuế phải nộp nên không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VAT hiện đang là nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh như hiện nay, gần như không còn thuế xuất nhập khẩu. Thuế thu nhập cá nhân chưa chiếm nhiều so với mặt bằng chung theo quy định ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Tuấn tán thành việc giảm thuế VAT để kích cầu trong nước và thúc đẩy hoạt động tiêu dùng nội địa. Nhưng để coi là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch bệnh thì nên xem xét và cân nhắc kỹ.
Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng Hapro Food của Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail.
Bởi nếu không thận trọng thì chính sách này có thể chỉ đem lại lợi ích cho những "ông lớn," trong khi đa phần doanh nghiệp khó khăn vì chẳng có doanh thu thì miễn hay giảm cũng bằng không.
Hơn thế, giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc, Nhà nước sẽ không còn ngân sách để chi tiêu cho việc phòng chống dịch bệnh trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này.
Ở góc độ nghiên cứu, Luật sư Phạm Quang Biên, đại diện Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay cần phải được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở công bằng, bình đẳng và tạo được sự đồng thuận của số đông.
Đề xuất giảm thuế VAT là một chính sách có thể đạt được nhiều kì vọng và mong muốn của người dân.
Đối tượng chịu thuế VAT rất rộng gồm mọi thành phần trong xã hội, dù là người nghèo hay người giàu cũng đều phải chi trả thu nhập để sử dụng hàng hóa và dịch vụ.
Dưới tác động của dịch COVID-19, không chỉ ở Việt Nam mà một số quốc gia trên thế giới cũng đã xem xét việc giảm thuế nhằm hướng tới việc ổn định đời sống của người dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giúp hồi phục nền kinh tế.
Ông Biên phân tích, về bản chất, thuế VAT là loại thuế đánh trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng. Vì vậy, nếu thuế VAT giảm sẽ kéo theo giá cả hàng hóa giảm, mở ra khả năng kích cầu mua sắm nội địa, đồng thời, giúp doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho trong mùa dịch, tạo cơ sở để doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội như hiện nay, người tiêu dùng bị giảm thậm chí mất nguồn thu nhập. Vì vậy, việc giảm thuế cũng là giảm gánh nặng trong chi phí tiêu dùng cho người dân. Vấn đề là nên giảm thuế VAT ở mức nào và trong thời gian bao lâu.
Ông Biên cũng bày tỏ băn khoăn và cho rằng, cần xác định thời gian áp dụng chính sách này nếu thông qua, nhưng phải căn cứ chặt chẽ vào diễn biến dịch bệnh và tình hình kinh tế xã hội trên thực tế.
Việc giảm thuế cần có lộ trình cụ thể, áp dụng theo từng giai đoạn và tốt nhất, nếu có thì nên áp dụng và kéo dài ít nhất từ 2-3 năm.
Từ thực tế của Công ty cổ phần Thương mại Máy tính An Phát, Giám đốc Lê Thị Hương Giang đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT cho hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng.
Điều này sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân, cho khách hàng và có thể thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi gián tiếp nhưng chính sách cần phải được xây dựng sao cho công bằng và sát với thực tiễn của số đông doanh nghiệp.
Bà Hương Giang bày tỏ sự nghi ngại, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn là khó khăn chung và doanh nghiệp nào cũng đều phải chịu nhiều sức ép và thách thức.
Sự hỗ trợ của Nhà nước là vô cùng cần thiết nhưng nếu thiếu tính thực tiễn sẽ khó lòng triển khai và phát huy hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp.