Ra quân diệt lăng quăng để tránh bùng phát các ổ dịch SXH tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: TÍN HUY
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc SXH, trong đó hơn 70% là trẻ em và 2 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, số ca mắc SXH toàn tỉnh là 1.940, giảm 27,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên số ca nặng là 122, tăng 79 ca, phần lớn ở trẻ em (77%); có 5 trường hợp tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ. Các trường hợp tử vong do mắc SXH đều có triệu chứng sốt, được điều trị tại các phòng khám, hoặc mua thuốc tại quầy thuốc tây, khi có dấu hiệu chuyển biến nặng mới nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy đa cơ quan.
Ngày 6-5, ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC TP Cần Thơ, cho biết đang thực hiện các biện pháp phòng chống SXH trên địa bàn các quận huyện; đồng thời phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về công tác thu dung, điều trị, chuyển tuyến…, không để xảy ra trường hợp trẻ tử vong. Báo cáo mới đây cho thấy, có 332 ca SXH, chủ yếu ở trẻ em, giảm gần 100 ca so với cùng kỳ. Do đang vào mùa mưa nên cần tăng cường, giám sát tại trường học, địa bàn trọng điểm nhằm sớm phát hiện ổ dịch để xử lý kịp thời.
Theo CDC Đồng Tháp, số ca mắc SXH tại hầu hết các huyện, thành phố có dấu hiệu tăng so với năm 2021. Toàn tỉnh có 589 trường hợp mắc SXH, tăng 182 ca (tương đương 44,30%) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 22 ca nặng, 1 ca tử vong.
Tỉnh Bến Tre cũng ghi nhận số ca mắc SXH rải rác tại các huyện, thành phố là 51 ca, không có ca tử vong. Hiện ngành y tế tỉnh khẩn trương thực hiện hoạt động huấn luyện chẩn đoán, điều trị; chuẩn bị vật tư, thuốc, trang thiết bị tiếp nhận và điều trị bệnh nặng.