Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. 
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp giữ vững ngôi á quân, tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh thành. Đồng Tháp còn là tỉnh duy nhất 12 năm liên tục nằm trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất.
Tầm nhìn đột phá 
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, lấy làm vui mừng với kết quả trên; đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã tin tưởng, đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Đồng Tháp; cảm ơn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã không ngừng nỗ lực và sáng tạo để mang đến sự hài lòng cho tổ chức, công dân...
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư ảnh 1 Đồng Tháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh: “Xác định PCI là chỉ dẫn tin cậy của DN và nhà đầu tư, sau mỗi lần công bố thì Đồng Tháp đều tự rà soát, phân tích từng chỉ số thành phần để có giải pháp khắc phục tốt hơn. Nhờ vậy, chỉ số đào tạo lao động có điểm số thấp nhất năm qua đã có sự cải thiện đáng kể ở lần này; chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh và chi phí thời gian tiếp tục có điểm số vượt trội, dẫn đầu bảng xếp hạng. Những nỗ lực cải cách như thành lập tổng đài thông tin dịch vụ công 1022, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính 4 tại chỗ trong một ngày đối với 23 thủ tục về thành lập và hoạt động của DN, triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh đối với các sở ngành và UBND cấp huyện... Những giải pháp này không chỉ góp phần nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị hành chính công nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, mà quan trọng hơn là tạo được niềm tin, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, DN về hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành”.
Đến Đồng Tháp, ai cũng cảm nhận được chính quyền luôn thân thiện và đồng hành cùng DN, thể hiện qua mô hình cà phê doanh nhân. Tất cả hướng đến sự minh bạch trong bộ máy công quyền và tạo điều kiện thuận lợi để tương tác với nhà đầu tư, DN một cách hiệu quả nhất; hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng đồng hành bằng sự chân thành nhất với DN và nhà đầu tư. Đồng Tháp không chỉ cam kết về sự đơn giản, minh bạch của các thủ tục hành chính, mà còn thể hiện sự trân quý giá trị thời gian của nhà đầu tư.
Những năm qua, tỉnh đã chủ động cắt giảm hơn 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động DN; liên thông trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa các cơ quan để DN nộp thuế điện tử và tiến trình cải cách vẫn đang diễn ra. Do đó, mọi thủ tục sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể. Đồng Tháp còn là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mấu chốt là thay đổi nhận thức của người nông dân, DN và cả hệ thống chính trị, nhằm chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; tạo điều kiện tốt nhất và hấp dẫn nhất để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 
Không ngừng đổi mới
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trước đây mỗi khi nhắc đến Đồng Tháp, nhiều người nghĩ đến một địa phương “khuất nẻo”, bởi điều kiện đi lại cách trở, khó khăn, hạ tầng yếu kém, nắng bụi, mưa bùn. Nhưng nay ai cũng biết một “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”, với biểu tượng Bé Sen vui tươi, rạng rỡ. Giờ nhắc đến Đồng Tháp, nhiều lãnh đạo Trung ương hay nhắc đến một địa phương luôn năng động, có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo; các mô hình như “cà phê doanh nghiệp - doanh nhân”, “hội quán”, “tổ nhân dân tự quản”... là những điển hình.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Để có được thành công là cả hành trình, phải tiếp tục làm mới mình. Xã hội luôn vận động. Môi trường kinh doanh luôn khắc nghiệt. Nông dân luôn thấp thỏm với từng mùa vụ. Vì vậy, bộ máy chính quyền phải luôn bên cạnh, cùng đồng hành thật sự với người dân, DN, phải thấu hiểu cảm xúc những người bạn đồng hành. Vậy là, phải học, học để biết, học để làm, học để cùng đồng hành với người dân và DN trên chặng đường còn nhiều chông gai phía trước”. 
VCCI nhìn nhận, Đồng Tháp là địa phương xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với DN. Chủ trương nhất quán của Đồng Tháp luôn xem DN là bạn đồng hành, là động lực của sự phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Dương, với tinh thần “bớt nói suông, tăng làm thật”, tỉnh quyết tâm “truyền lửa” cải cách đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh tới cơ sở. “Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh, trên tinh thần hợp tác để cùng phát triển”, ông Nguyễn Văn Dương khẳng định. 
Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp. Quan điểm của tỉnh là chắt chiu từng cơ hội của DN, nhà đầu tư, bởi đó cũng là cơ hội của chính quyền và người dân Đồng Tháp.
 Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm qua tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với sản lượng lúa đạt trên 2,6 triệu tấn mỗi năm, sản lượng cá tra cung cấp cho chế biến xuất khẩu hàng năm hơn 245.000 tấn, cùng hàng chục ngàn hecta vườn cây ăn trái… Đến nay, Đồng Tháp đã quy hoạch tổng thể 6 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn, thu hút 117 dự án; quy hoạch tổng thể 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.100ha… Những dự án đã đi vào hoạt động, có không ít dự án đầu tư hiệu quả, được các DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Các tin khác