Điểm yếu hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam

(ĐTTCO)-Hệ thống thông tin thị trường lao động ở Việt Nam chưa được kết nối đồng bộ, cơ sở dữ liệu có độ trễ lớn, việc phân tích dữ liệu cung cầu lao động khó khăn, nhất là ở khu vực phi chính thức, công tác dự báo hạn chế...
Điểm yếu hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam

Đó là những tồn tại được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về hệ thống thông tin thị trường lao động chiều 6-10. 

Tại hội thảo, ông Per Johan Ronnas, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chia sẻ Việt Nam cần sớm có cơ sở dữ liệu thị trường lao động đồng bộ từ nhiều nguồn như điều tra doanh nghiệp định kỳ, số liệu từ các cơ quan quản lý… 

Từ đó, Nhà nước đưa ra dự báo ngắn hạn trong 2, 3 tháng để đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời theo từng ngành nghề, quy mô doanh nghiệp, đặc điểm lao động theo khu vực địa lý.

Nếu không hệ quả là thiếu hụt lao động có kỹ năng và chi phí tìm kiếm lao động cao hơn, giảm khả năng cạnh tranh và tạo ra ít việc làm... Nguy hại hơn là chuyển đổi kinh tế và tăng trưởng chậm hơn.

Theo ông Ronnas, hệ thống thông tin thị trường chung là cần thiết cho mọi quốc gia để người lao động, doanh nghiệp, các tổ chức, chính phủ đều dễ dàng truy cập để đưa ra dự báo, hay đơn giản là tìm hiểu xu hướng việc làm một cách miễn phí, thân thiện. 

Theo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chung có dữ liệu chính như đặc điểm của lực lượng lao động (số người có việc, số người mất việc), tham gia lực lượng lao động, việc làm (hình thức việc làm, nghề nghiệp, khu vực kinh tế), lao động di cư ra nước ngoài…

Ông Ronnas kể: các nước đều khó khăn khi mới triển khai từ chi phí, cơ sở dữ liệu… nên Việt Nam phải có một cơ quan cố vấn kỹ thuật chung, điều phối nguồn lực. 

Dẫn lại bài học ở Úc và Hàn Quốc, ông Ronnas cho hay, các nước này tập trung tạo ra hệ thống tốt, website tối ưu nhưng đó chỉ là một phần, quan trọng nhất phải là chất lượng, định kỳ cập nhật thông tin (theo ngày, theo tuần). 

Vị này lưu ý Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy định, sai số, phương pháp thu thập từng con số với các cấp để đảm bảo sự đồng bộ trên hệ thống để tiết kiệm chi phí và nhân lực.

Ông Tào Bằng Huy - cục phó Cục Việc làm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội - nhấn mạnh, việc cơ quan dự báo thị trường lao động nếu phải chờ báo cáo quý, báo cáo năm nên rất chậm, dự báo có thể chênh với thực thế. 

Do vậy, ông Huy đánh giá cao chia sẻ của chuyên gia ILO và cho biết hiện tại cơ quan chức năng tận dụng các báo cáo của Tổng cục Thống kê, bản tin thị trường lao động của các địa phương…

Các tin khác