Điện ảnh loay hoay giữa yếu tố kế thừa và công nghệ PR

(ĐTTCO) - Bên cạnh một số chi tiết chưa được đồng thuận về trang phục và lịch sử, bộ phim "Đất rừng phương Nam" thu hút sự quan tâm của khán giả theo một cách khá ồn ào, trong đó 2 vấn đề nổi cộm là yếu tố kế thừa và công nghệ PR.

1. Cần xác định, bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm phái sinh. Nghĩa là kịch bản để dàn dựng bộ phim “Đất rừng phương Nam” không phải ý tưởng mới hoàn toàn, mà kế thừa ý tưởng tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” và bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” sản xuất năm 1997.

Chính yếu tố kế thừa đã khiến bộ phim điện ảnh tận dụng để quảng bá và vấp phải phản ứng yêu ghét đa dạng của dư luận. Bởi lẽ nguyên tắc của tác phẩm phái sinh là không thể đi ngược lại tinh thần chủ đạo của nguyên tác.

Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” được nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên vào năm 1957, sau đó tái bản năm 1966. Dựa theo tiểu thuyết, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã làm bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” 11 tập vào năm 1997, rất được khán giả hoan nghênh.

Và đến nay, đoàn làm phim tái hiện lại với bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”. Những người làm bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” hé lộ, đây là một dự án lớn. Họ đã mất 5 năm để phát triển kịch bản, mất 11 tháng casting với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký, mất 48 ngày quay chính thức tại 45 bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây.

Bộ phim quy tụ 4.000 người, gồm 41 diễn viên chính, phụ và 3.672 diễn viên quần chúng. Để phục vụ cho các cảnh quay, 800 bộ trang phục được may mới hoàn toàn, đi kèm với 6.000 đạo cụ dành riêng, và 110 xe cộ, ghe xuồng được thiết kế, sửa chữa cũng như làm mới.

Tuy nhiên, một điều mà thị trường điện ảnh phải ghi nhận là nhóm doanh nghiệp liên kết sản xuất bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” rất đầu tư cho hoạt động tiếp thị và quảng bá. Nếu kinh phí làm phim hết 40 tỷ đồng, thì họ phải bỏ thêm 10 tỷ đồng để có chiến dịch PR rầm rộ. Không chỉ tổ chức họp báo, lễ ra mắt tại các đô thị lớn với sự tham gia của nhiều ngôi sao, bộ phim đánh động công chúng bằng những sản phẩm MV ca nhạc, những kết nối tưng bừng trên mạng xã hội.

Xét về mức độ lan tỏa, chiến lược PR của bộ phim “Đất rừng phương Nam” rất thành công. Bộ phim kế thừa nhân vật Ba Phi trong bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” (trong tiểu thuyết không có), và mạnh dạn giao vai cho một gương mặt thường xuyên đối diện thị phi là Trấn Thành đảm nhiệm.

Riêng diện mạo dị biệt của nhân vật Ba Phi với hóa thân của Trấn Thành, đã tạo ra điểm nhấn tranh cãi. Ngoài ra, với những suất chiếu sớm, bộ phim cũng tranh thủ tuyên bố con số doanh thu rất “khủng” để kích hoạt tâm lý đám đông.

Bởi lẽ, con số doanh thu ấy không ai kiểm chứng được, và quan trọng hơn là sự khuếch đại bằng miệng lưỡi không phải căn cứ để nộp thuế. Những kiểu khua chiêng gõ trống như “áp đảo phòng vé” hoàn toàn trái ngược với thực tế khán giả lác đác trong rạp ở những buổi chiếu phim.

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” có kinh phí sản xuất 40 tỷ đồng.

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” có kinh phí sản xuất 40 tỷ đồng.

2. Những người thực hiện bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã có những tính toán riêng khi “sáng tạo” không gian tác phẩm vào thập niên 20 của thế kỷ 20, chứ không phải không gian sau năm 1945 như nguyên tác.

Nhìn một cách tổng thể, đạo diễn Đinh Đức Liêm đánh giá: “Hình ảnh quay phim quá đẹp, đạo diễn dàn dựng hoành tráng, chỉn chu, chi tiết đời sống nông dân Nam bộ kỹ càng, diễn xuất tốt và đồng đều các nhân vật. Chỉ tiếc đưa quá nhiều yếu tố của người Hoa ở miền Tây vào phim, đặc biệt tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn, Thiên Địa Hội là tổ chức chống Pháp chính trong phim chứ không phải Việt Minh, Bình Xuyên, Hòa Hảo như trong tiểu thuyết gốc.

Thành ra mất bớt chất yêu nước, bảo vệ mảnh đất quê hương của người bản xứ Nam bộ, mà thành cuộc đấu tranh bảo vệ đất sống, bảo vệ việc làm ăn buôn bán ở chợ của người Hoa ở miền Nam. Còn những người dân Nam bộ ở trong bộ phim chỉ làm nền của sinh hoạt, tình cảm. Họ chỉ trở thành nạn nhân của người Pháp và của chính cuộc chiến đấu ấy.

Giá như là cuộc đấu tranh của toàn dân Việt thực sự, của Việt Minh và tổ chức yêu nước, hay cuộc phản kháng của nông dân như chuyện trên đồng Nọc Nạn của bản truyền hình “Đất phương Nam” thì ý nghĩa giá trị tinh thần sẽ cao hơn”.

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” gần như “đoạn tuyệt” với tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” khi đưa ra những tình huống khác, những nhân vật khác. Đáng tiếc, nhà sản xuất “Đất rừng phương Nam” không dám tự tin bước ra đám đông như một tác phẩm độc lập, mà vẫn níu kéo sự dan díu “lấy cảm hứng” để thuận lợi cho chiến lược PR.

Sự khôn khéo ấy đã trở thành con dao 2 lưỡi, khiến bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” hứng chịu không ít bỉ bai và trách giận. Thế nhưng, ngoài kiểu “ăn mày dĩ vãng” khá tai tiếng, bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” trực tiếp nhắc nhở giới làm phim về công nghệ PR.

Trong thời đại truyền thông bùng nổ không còn chỗ cho khái niệm “hữu xạ tự nhiên hương”. Làm phim mà không tiếp thị, không quảng bá sẽ cầm chắc thất bại. Thí dụ, một bộ phim điện ảnh từng rất được chờ đợi là “Hợp đồng bán mình” dựa theo kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn có kinh phí sản xuất hơn chục tỷ đồng.

Riêng cái tên phim “Hợp đồng bán mình” đã rất hấp dẫn cho thị trường điện ảnh. Oái oăm thay, khi Hãng phim Giải Phóng mang “Hợp đồng bán mình” đi chào hàng thì các đơn vị phát hành yêu cầu phải có chiến lược PR như một tác động hỗ trợ tích cực.

Phim Nhà nước đặt hàng không có kèm theo khoản PR, nên bộ phim điện ảnh “Hợp đồng bán mình” chỉ phục vụ vài ngày rồi cất vào kho.

Các tin khác