Diễn biến giá đường mùa vụ 2011-2012

Giá đường thô giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa New York đã có thời điểm rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Giá đường thô giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa New York đã có thời điểm rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Nguyên do là có thông tin về việc sản lượng đường toàn cầu sẽ được bổ sung đáng kể từ các quốc gia khu vực châu Á, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường đang có dấu hiệu suy giảm bởi triển vọng kinh tế không sáng sủa tại nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.

Dự báo sản lượng đường tại Ấn Độ lần đầu tiên đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua với 25,83 triệu tấn, trong khi đó sản lượng tại Thái Lan cũng được dự báo sẽ tăng 11% so với năm ngoái, đạt 105 triệu tấn mía cây. Mặc dù sản lượng đường tại Brazil năm nay sẽ sụt giảm, song lượng sụt giảm này hoàn toàn được bù đắp, thậm chí thặng dư bởi sản lượng tăng thêm tại các nước châu Á.

Trong báo cáo gần đây Credit Suisse Group AG cũng đã giảm dự báo giá đường 3 tháng và 12 tháng sắp tới, theo đó giá đường chỉ còn 26 cents/pound so với dự báo trước đây là 32-33 cents/pound. Trong vòng 1 tháng qua, giá đường thô đã giảm gần 20%, xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, đạt 24,01 cents/pound.

Theo các báo cáo đã được phát hành bởi các tổ chức mía đường hàng đầu thế giới như ISO, Kingsman, Czarnikow… mặc dù có khác nhau song điểm chung dễ nhận thấy là thị trường đường thế giới sẽ thặng dư trong vụ mùa 2011-2012.

Giá đường thế giới hiện nay chịu tác động bởi một số ít quốc gia xuất - nhập khẩu đường hàng đầu thế giới, đặc biệt là Brazil chiếm tới 50% lượng đường thương mại thế giới. Do đó bất kỳ biến động nào liên quan đến tình hình sản xuất đường tại quốc gia này cũng là tác nhân gây biến động giá đường thế giới.

Mặc dù là quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, song Brazil đang phải đối mặt với nhiều các khó khăn liên quan đến tuổi đời cây mía đã quá già trong khi lớp mía mới chưa phát triển kịp.

Bên cạnh đó việc đồng real của Brazil đang liên tục lên giá mạnh so với USD đã khiến chi phí sản xuất đường tại Brazil trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, đây sẽ là yếu tố then chốt quyết định diễn biến giá đường trong thời điểm hiện tại và tương lai dài hạn sắp tới.

Bên cạnh đó, những diễn biến mới nhất liên quan đến thời tiết tại khu vực châu Á có thể sẽ sớm tác động đến kỳ vọng của các nhà phân tích và giới đầu cơ quốc tế trong thời gian sắp tới. Những cơn bão lớn liên tiếp tàn phá và gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tại khu vực châu Á như Philippines, Việt Nam và Thái Lan trong khi vụ mùa 2011-2012 tại khu vực Đông Nam Á sẽ sớm bắt đầu từ tháng 11 đang dấy lên lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng mía đường tại các quốc gia này.

Tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, đồng thời là nguồn cung cấp đường chủ yếu cho các quốc gia châu Á, đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt trầm trọng nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt tại khu vực trung tâm và phía Bắc, 2 vùng trồng mía lớn của quốc gia này, gây thiệt hại tới khoảng 80.000ha mía, tương đương hơn 5,5 triệu tấn mía nguyên liệu bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Với những phân tích ở trên, dự báo giá đường thế giới thời gian sắp tới sẽ được hỗ trợ tại vùng 25-27 cents/pound, nếu không có những thông tin tích cực liên quan đến việc gia tăng sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất đường hàng đầu khác như Brazil, Ấn Độ, Australia hay Trung Quốc và những thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Thái Lan sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đường thế giới phục hồi. 

Các tin khác