Độ nóng của phong trào đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 4-2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Trong đó, có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 cent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho có thể giúp nhà đầu tư có lãi đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai.
Vì thế, chưa bao giờ số lượng nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực năng lượng mặt trời lại tăng nhanh đến vậy. Chỉ trong hơn 1 năm qua, số dự án chờ phê duyệt đã tăng từ hàng chục lên hàng trăm với tổng công suất lên đến hơn 12.000MW, chủ yếu phân bổ tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh…
Chẳng hạn tại Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận vào tháng 6-2017 đã khởi công dự án trang trại điện mặt trời 1.300 tỷ đồng, công suất 50MW, được kỳ vọng sẽ phát điện thương mại vào tháng 6-2019. Vào tháng 7-2018, Tập đoàn Trung Nam cũng rót đến 5.000 tỷ đồng khởi công dự án điện mặt trời khoảng 200MW tại Ninh Thuận. Dự án điện mặt trời lớn nhất cả nước này được kỳ vọng sớm đưa vào vận hành trước tháng 6-2019.
Và mới đây nhất, vào cuối tháng 9, CTCP Đầu tư Quang điện Bình Thuận đã khởi công dự án nhà máy điện mặt trời công suất gần 40MW tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình. Đây là dự án có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành phát điện vào tháng 4-2019. Dự án điện mặt trời Sông Lũy sẽ gồm 130.000 tấm pin điện mặt trời, đi kèm với đó là trạm biến áp tăng áp 22-110kV, trạm cắt 110kV và 66m đường dây 110kV tới điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, có thể cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 80 triệu kWh/năm.
Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhiều dự án điện gió vẫn đang giậm chân tại chỗ, liệu có là lời cảnh tỉnh cho điện mặt trời? Đó là chính sách giá mua điện gió hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng “điện gió sẽ mãi thất bại” vì đang đi ngược quy luật.
Nguyên tắc thị trường rất đơn giản: Cung ít - cầu nhiều, giá cao. Giá càng cao, nhà sản xuất càng có lợi, từ đó đẩy mạnh sản xuất, số lượng sản phẩm nhiều sẽ tự động hình thành thị trường hàng hóa. Đến nay, cả nước đã có 7 dự án điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất 190MW, cũng như danh mục các dự án đăng ký đầu tư đang ngày một dài hơn. Song mục tiêu phát triển được 800MW điện gió của Việt Nam vào 2020 đến nay gần như không thể hoàn thành vì kế hoạch tăng giá mua điện gió liên tục lỗi hẹn.
Và với giá điện gió hiện nay 7,8 cent/kWh không khác gì giá điện than, nhiều dự án điện gió ở Bến Tre, Bạc Liệu, Bình Thuận đang “án binh bất động” để… chờ giá. Vì nếu hoạt động nhà đầu tư chắc chắn lỗ.
Các cơ quan có thẩm quyền luôn nói rằng chi phí sản xuất năng lượng sạch cao nhưng lại thu mua thấp, có nghĩa là ép giá, kìm hãm, không muốn cho nó phát triển. Mặt khác vẫn hô hào ủng hộ, đặt mục tiêu này nọ nhưng không có kế hoạch hành động cụ thể nào để đạt mục tiêu đó. Lý lẽ các bộ ngành đưa ra “nếu tăng giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện”, nhưng rõ ràng sản lượng điện gió, điện mặt trời hiện rất ít. Vấn đề ở đây là cơ chế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Họ không muốn xây dựng một thị trường điện cạnh tranh và minh bạch.
Trong lúc nhà đầu tư và các địa phương đang tích cực hưởng ứng Quyết định 11 của Thủ tướng, khi chọn hướng phát triển năng lượng sạch thông qua các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời, cũng chính là lúc họ vướng phải hàng loạt rào cản không dễ vượt qua. Điều này có nghĩa, nếu thị trường năng lượng sạch được xây dựng theo hướng độc quyền, số phận điện mặt trời cũng sẽ lặp lại như điện gió, tức thị trường này sẽ mãi không thể phát triển.