Các chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên ±5% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế.
Hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường
Tháng 8/2015, biên độ tỷ giá được điều chỉnh từ ±2% lên ±3%, sau 7 năm biên độ tỷ giá được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. Động thái này được cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Điều chỉnh Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục chạm trần nhiều phiên gần đây. Chẳng hạn, phiên 18/10, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.637 đồng/USD, tăng 51 đồng so với phiên trước. Vì vậy tại phiên hôm nay đa số các ngân hàng thương mại niêm yết giá bán USD ở mức trần 24.440-24.485 đồng/USD.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho biết giá USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết.
Một nguyên nhân nữa được ông Nghĩa đề cập là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).
Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái.
“Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, tôi cho rằng biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng,” ông Nghĩa phân tích.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng việc điều chỉnh biên độ này là việc làm cần thiết lúc này để đảm bảo điểm cân bằng mới, giảm áp lực cung cầu về quan hệ ngoại hối trên thị trường, đặc biệt tạo dư địa cho chính sách tiền tệ có thể điều hành một cách linh hoạt hơn.
"Điểm này tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu," ông Thành đánh giá.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng đánh giá việc tăng biên độ tỷ giá là hành động kịp thời phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam.
Ông Francois Painchaud, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam nhấn mạnh động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện sự linh hoạt trong điều hành, với nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp thì việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái là cần thiết. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành nền kinh tế vĩ mô thận trọng. Chính sách tiền tệ trong nước có thể sẽ được thắt chặt hơn nữa.
Theo thống kê, đồng yen mất giá 31%, đồng won mất giá 22%, đồng tiền của các nước ASEAN mất giá từ 12%-18%, VND mới mất giá 7%, ít nhất so với các đồng tiền khác trên thế giới.
Giảm đầu cơ, tích trữ
Làm rõ thêm về động thái mới của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính, phó giáo sư Định Trọng Thịnh cho rằng hiện nay lạm phát tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã lãi suất. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Mỹ có 5 lần nâng lãi suất đồng USD với mức nâng 3%. Điều này tác động đến đồng tiền của nhiều nước khác mất giá mạnh.
Trong khi đó, tại Việt Nam, sức ép lên tỷ giá của USD với VND rất đáng kể. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đường lối giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ cân đối lớn. Chính vì thế, việc đầu tiên và quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ ổn định tỷ giá hối đoái.
Ông Thịnh phân tích thêm khi điều chỉnh biên độ giao ngay, việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường “chợ đen” sẽ giảm. Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra "chợ đen" để giao dịch lại sẽ được hạn chế.
Cũng theo ông Thịnh, việc điều chỉnh này cũng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại mua bán với tỷ giá mới, không vi phạm luật, làm cho hoạt động của các ngân hàng tốt hơn. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện bán USD ngay khi thu được cho các ngân hàng thương mại. Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc các ngân hàng thương mại nâng giá bán USD gần mức giá thị trường thì cũng phải tính toán nhập khẩu lượng hàng hóa phù hợp, mua USD đúng lúc để giảm áp lực lạm phát.
“Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có tác động làm cho lạm phát có xu hướng giảm thấp.
Dù vậy, theo các chuyên gia, hiện nay áp lực việc USD tăng giá là quá lớn và trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp.
Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất là áp lực về kiểm soát tỷ giá.
Theo ông Cường, Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường. Bởi Nếu không ổn định được tỷ giá thì có thể dẫn đến nguy cơ dự trữ ngoại tệ chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp. Khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.