Thời gian qua, thông tin từ các cuộc khảo sát đối với các DN, hiệp hội ngành hàng như dệt may, điện tử, gỗ và lâm sản, hay chế biến gỗ và mỹ nghệ TPHCM, chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương… đã cho thấy xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình 3T ở một số nhà máy, với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày.
“Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương đang bị quá tải, khâu xử lý các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các DN khác trên địa bàn” - công văn của Ban IV khuyến nghị.
Riêng với các nhà máy đang áp dụng mô hình 3T có nhân viên, người lao động phát hiện là F0, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các DN, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho địa phương và DN.
Rõ ràng, khi áp dụng mô hình này, cần phải có quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ, cũng như quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai, nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời các vấn đề phát sinh. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các cơ quan chức năng chứ không chỉ ở phạm vi DN, tránh bị rơi vào “khủng hoảng cục bộ” như một số nhà máy trở thành chùm F0 tại một số tỉnh thành phía Nam trong thời gian qua.
Để ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, kịp thời hỗ trợ DN và người lao động, đầu tháng 7 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban IV, trong các điều kiện để hưởng hỗ trợ, yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn là quy định chưa hợp lý, khiến nhiều DN không tiếp cận được gói hỗ trợ.
Trên thực tế, theo pháp luật về thuế, DN có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh dịch Covid-19 khiến DN hết sức khó khăn về tài chính, nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 dù DN chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết, đang là bất cập lớn. Ban IV kiến nghị Chính phủ xem xét loại bỏ quy định này, giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn.
Một vấn đề khó khăn đối với DN hiện nay là từ phía hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng lo mất quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Cụ thể, theo Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu, các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tiết kiệm chi phí. Nghị quyết khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, nên ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, điều các ngân hàng thương mại lo lắng là Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 15-8-2022. Khi đó ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo chỉ có cách kiện ra tòa. Quá trình xử lý nợ xấu sẽ kéo dài, dẫn đến giá trị tài sản bảo đảm giảm sút, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nhận xét mấu chốt lúc này nằm ở sự quyết đoán của Chính phủ. Theo bà Phạm Chi Lan đây là lúc cần phải “khoan thư sức dân”, ngân sách nhà nước có thể chấp nhận hụt thu hàng chục ngàn tỷ đồng sau khi áp dụng các chính sách miễn giảm để hỗ trợ DN, người dân, nhưng đó chỉ là tạm thời, là điều cấp thiết để phục hồi sức khỏe DN và nền kinh tế.
Để có nguồn thu, tạo ra các giá trị cho xã hội, điều tiên quyết phải giữ cho DN “sống được” và “sống khỏe”. Bên cạnh việc gỡ khó về chính sách rất cần thêm sự hỗ trợ, chia sẻ cụ thể về thuế, phí, tín dụng, tiền thuê đất cho các nhóm DN nói chung, nhất là các DN thuộc các nhóm ngành mũi nhọn đóng vai trò chủ lực của tăng trưởng kinh tế hiện nay.