Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện tâm lý lo ngại trên thị trường khi tỷ giá được NHNN điều chỉnh. Tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố tâm lý thị trường, còn về cơ bản NHNN điều hành chính sách tỷ giá có lợi cho VNĐ.
Thứ nhất, hiện nay trạng thái ngoại hối của Việt Nam vẫn ổn định, chưa xảy ra vấn đề gì. Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định như vậy nên đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn đang thặng dư cán cân thanh toán khi nguồn dự trữ ngoại hối rất lớn, dù không công bố chính thức song ước chừng lên tới 100 tỷ USD, hoàn toàn có đủ nguồn lực để NHNN xử lý bài toán điều hành tỷ giá khi Fed điều chỉnh tăng lãi suất.
Thứ hai, Việt Nam đã có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt chứ không giữ nguyên, cho thấy vẫn đang chủ động.
Câu hỏi đặt ra ở đây là điều chỉnh tỷ giá của NHNN sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp (DN). Theo tôi, việc điều chỉnh tỷ giá này là nỗ lực rất lớn của NHNN, nhất là đặt trong bối cảnh các NHTW các nước đều lúng túng và đồng tiền nội tệ của họ mất giá 10-20% sau khi Fed điều chỉnh tăng lãi suất để đẩy giá đồng USD lên cao. Hiện nay Việt Nam điều chỉnh tỷ giá hối đoái ở mức khoảng 4% và dự báo đến cuối năm rơi vào khoảng 5% (là mức đồng VNĐ mất giá) là mức vừa phải và phù hợp.
Về nguyên tắc, khi điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo hướng giảm giá đồng nội tệ sẽ có lợi cho DN xuất khẩu và thiệt cho DN nhập khẩu. Đặc biệt liên quan đến vấn đề trả nợ của các DN bằng ngoại tệ, vì họ phải trả bằng VNĐ nhiều hơn để có lượng ngoại tệ trả nợ khi đến thời điểm đáo hạn các khoản nợ.
Song xét về mặt tổng thể, chính sách về tỷ giá hối đoái như thế là mềm dẻo, vẫn đáp ứng được hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ tích cực cho chính sách lãi suất hiện nay. Bởi nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái, lãi suất hiện nay có thể phải tăng cao hơn nữa, và như vậy cộng đồng DN trong nước sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì gánh nặng lãi suất, chi phí tăng cao.
Có ý kiến cho rằng việc Fed liên tục điều chỉnh tăng lãi suất sẽ khiến Việt Nam khó duy trì chính sách điều hành tỷ giá như hiện nay. Điều này là chắc chắn, bởi nó tạo áp lực buộc chúng ta phải giảm giá mạnh đồng nội tệ vì đồng USD lên giá quá cao. Nhưng Việt Nam ứng phó không chạy theo tăng lãi suất như nhiều NHTW khác.
Các nước tăng lãi suất để chống lạm phát bởi lạm phát nước họ đã tăng cao, còn Việt Nam hiện lạm phát về cơ bản vẫn đang kiểm soát được. Giá cả hàng hóa ở thị trường trong nước đang được kiềm lại tương đối. Điều này một phần nhờ chúng ta đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, trong khi đây là yếu điểm của nhiều nước khi giá lương thực và năng lượng thế giới tăng cao đẩy họ rơi vào gia tăng lạm phát.
Do đó, Việt Nam cũng không giảm giá quá nhiều VNĐ. Bởi lẽ khi đồng nội tệ giảm giá sẽ kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu cũng như liên quan đến các nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại tệ với nước ngoài. Cán cân thanh toán của Việt Nam hiện vẫn ổn định, thậm chí năm nay được dự báo thặng dư thương mại lên tới 8-9 tỷ USD; xuất khẩu vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số, nhập khẩu thấp hơn, nên không có vấn đề gì đáng lo cả. Vì vậy không nhất thiết phải “chạy theo” cách điều hành của các NHTW khác.
Về tác động của chính sách điều hành tỷ giá lên nền kinh tế năm sau, theo tôi về ngắn hạn, trong những tháng tới chính sách điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến các DN theo cả 2 hướng. Đối với DN có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn DN có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn, khi họ phải bỏ ra lượng VNĐ nhiều hơn để mua USD, bởi đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo việc giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều tăng khi quy ra VNĐ. Đối với DN sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.
Nguyên do, ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng USD tăng do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ không kéo dài, nên không phải lo lắng nhiều. Có thể Fed sẽ chuyển từ trạng thái “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách”.