Hôm 25/5, 4 cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, đã gây ra cái chết cho George Floyd, một công dân gốc Phi. Ngày hôm sau, 4 người này bị đình chỉ chức vụ và sau đó là tạm giam chờ ngày ra tòa. Tuy nhiên, sau khi một đoạn clip ghi lại vụ việc được công bố trên mạng, các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra. Từ Minneapolis, biểu tình lan rộng ra khắp nước Mỹ và sang cả các lục địa khác.
Một người biểu tình đứng ngay trước hàng rào vệ binh quốc gia của bang California. Ảnh: CNN |
Những con số biết nói
Thống kê cho thấy, tất cả 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ đều có biểu tình. Hơn 100 trên tổng số 310 thành phố (có dân số trên 100.000 người) diễn ra biểu tình quy mô lớn, bao gồm biểu tình ôn hòa và bạo động cướp phá. Tổng cộng có 12 người thiệt mạng do biểu tình, hàng nghìn người bị bắt giữ.
Tại châu Âu, 26 quốc gia có biểu tình. Những nước châu Âu được xem là “hăng hái” biểu tình nhất gồm Bỉ (7 thành phố), Đức (14 thành phố), Italia (20 thành phố), Tây Ban Nha (5 thành phố), Thụy Điển (5 thành phố), Thụy Sỹ (6 thành phố). Đặc biệt, Anh có tới 29 thành phố có biểu tình vừa ôn hòa vừa bạo động, kéo dài từ 28/5 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở châu Á, hơn 10 quốc gia có các cuộc biểu tình với số lượng tham gia từ 10 đến vài trăm người. Nhật là quốc gia có số người tham gia biểu tình đông đảo nhất, 800 người tại hai thành phố Tokyo và Osaka. Trong khi, Hong Kong (Trung Quốc) được xem là nơi có số người tham gia biểu tình ít nhất với hơn 10 người.
Tại Australia, các cuộc biểu tình nổ ra tại 9 thành phố lớn nhất trên 6 bang, với khoảng 80.000 người tham gia. Tất cả các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa. New Zealand có 11.000 người tham gia biểu tình tại 6 thành phố lớn, trong đó đông nhất là ở thành phố Auckland và ít nhất là tại thành phố Tauranga.
Biểu tình cũng xuất hiện tại Canada với sự tham dự của hàng chục nghìn người. Bang Ontario được xem là có số người biểu tình cao nhất với 65.000 người, trong khi thủ đô Ottawa chịu thiệt hại nặng do biểu tình biến thành bạo động, cướp bóc. Hàng loạt quốc gia khác ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi cũng xảy ra biểu tình nhưng với quy mô nhỏ và phần lớn diễn ra ôn hòa.
Đốt phá trong lúc tham gia biểu tình đòi công bằng sắc tộc ở Minneapolis. Ảnh: TabletMag |
Và những điều khó hiểu
Những cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd hiện nay khác rất nhiều so với vụ việc của Martin Luther King, nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc có uy tín trong lịch sử cận đại. Việc ông bị ám sát cũng gây ra biểu tình bạo loạn trên 100 thành phố tại Mỹ vào năm 1968 và sự phản đối ngoại giao từ nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, mức độ phản ứng của dư luận nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vào thời điểm đó chưa thể bằng với tất cả những gì đang diễn ra chung quanh vụ việc George Floyd.
Chưa hết, hầu hết các cuộc biểu tình bạo động, có cướp bóc hôi của đều do một nhóm người đến từ nơi khác. Họ che mặt và trùm kín cơ thể như để che đậy màu da và khiêu khích cảnh sát, kích động người biểu tình, đập phá các cơ sở kinh doanh. Họ cũng phóng hỏa các cơ sở thương mại, nhà thờ, xe cảnh sát…
Chính người dân địa phương đã phát hiện ra nhóm này và có hành động phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ tài sản, tính mạng. Tất cả những cuộc biểu tình bạo loạn lan tỏa rất nhanh trên toàn nước Mỹ và đều có chung một mô thức tương tự.
Ngày 31/5, Tổng thống Trump tuyên bố “Antifa” là thủ phạm của các cuộc biểu tình bạo loạn |
Một nhóm Antifa được trang bị kỹ lưỡng khi tham gia biểu tình bạo động tại Mỹ |
Ngày 29/5, trong vòng 24 giờ, hãng tin CNN phát hành đến 80 bản tin riêng biệt liên quan đến cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình. Điều này được cho là bất thường so với tầm vóc của sự kiện và cách thức đưa tin truyền thống của CNN.
Ngày 30/5, truyền thông Mỹ đề cập đến tổ chức Antifa và một ngày sau, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Antifa là tổ chức khủng bố nội địa và sẽ tiêu diệt Antifa cùng những kẻ đứng sau. Antifa bị dư luận lên án lợi dụng sự kiện George Floyd để phá hoại nước Mỹ.
Thống kê cũng cho thấy, các cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra nặng nề nhất tại 23 thành phố lớn tại các tiểu bang thuộc đảng Dân chủ. Các bang Dân chủ đã phản ứng chậm chạp khi đối phó với người biểu tình.
Tổng cộng 17 nhà thờ bị thiêu rụi trên toàn liên bang. Đây là sự việc được xem là đặc biệt khác thường, bởi luật pháp sở tại và các cộng đồng sắc dân trên toàn nước Mỹ luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với những nơi thờ phụng của tất cả các tôn giáo.
Khẩu hiệu “Coi trọng sinh mạng của người da đen” được dùng tại hầu hết các cuộc biểu tình trên thế giới. Song, cùng với nó còn có những yêu sách khác tùy vào từng nơi. Có lẽ khẩu hiệu này chỉ là một cái cớ, còn lý do biểu tình chính là ở những biểu ngữ trên tay người biểu tình.
Cho đến tận thời điểm này, các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình hình có lẽ sẽ thay đổi sau khi tòa ra phán quyết về 4 viên cảnh sát thành phố Minneapolis, đặc biệt là với Derek Chauvin, kẻ trực tiếp gây ra cái chết cho George Floyd.