Định giá rẻ, thị trường vẫn không dễ “chơi”

(ĐTTCO) - Kết quả kinh doanh quý II dồn dập đổ vào thị trường, giữa bối cảnh VN Index hầu như không có tiến triển suốt từ đầu tháng 7 tới nay. Điều đó nghĩa con số lợi nhuận đang đẩy mức định giá cơ bản P/E của thị trường xuống thấp hơn. Mọi điều kiện thuận lợi từ vĩ mô tới vi mô đều đang sắp đặt sẵn, nhưng dường như vẫn thiếu chất xúc tác để thổi bùng lên xu hướng tăng mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lợi nhuận phân hóa
Những thống kê ban đầu cho thấy, đã có khoảng 600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II-2022, sẽ nhiều hơn một chút nếu bao gồm cả các con số ước tính được đưa ra chủ động. Các con số sẽ còn liên tục được cập nhật trong những ngày tới, nhưng xu hướng chính là doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đều tăng tích cực.
Chẳng hạn, theo ước tính của CTCK VnDirect với 590 doanh nghiệp đã công bố đến ngày 26-7, tổng doanh thu và lợi nhuận quý II tăng lần lượt 25,3% và 17,9% so với cùng kỳ. Nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn trên 10.000 tỷ đồng ghi nhận mức tăng trung bình 34,3% về doanh thu và tăng 24,9% lợi nhuận ròng.
Dĩ nhiên, những mảng sáng tối trong bức tranh kết quả kinh doanh là điều hoàn toàn bình thường. Thí dụ, nhóm du lịch, hàng không tiếp tục lỗ. Nhóm chứng khoán phân hóa mạnh với nhóm lãi hàng đầu là VND, SSI, VCI, HCM, trong khi nhóm lỗ nặng là SHS, BMS, TPS, APG. Sự phân hóa này cũng không khó đoán, mà hoàn toàn thuận theo logic thông thường.
Dịch bệnh khiến lĩnh vực du lịch chỉ vừa mới phục hồi, hay thị trường lao dốc rất mạnh từ tháng 4 tới tháng 6 khiến các CTCK lỗ nhiều ở mảng tự doanh, môi giới... Ngược lại, nhóm dầu khí chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu quý II khoảng 85% so với cùng kỳ, lợi nhuận tổng tăng 4,5 lần. Nhóm CP hóa chất tăng lợi nhuận 178%. Thậm chí, nhóm CP năng lượng, cùng là nhu cầu điện tăng cao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhóm này kinh doanh tốt, nhưng nhiệt điện than, khí gặp trở ngại lớn về giá đầu vào, trong khi thủy điện lại cực kỳ thuận lợi.
Dù có sự phân hóa khá mạnh, tổng thể thị trường vẫn đang chứng kiến giai đoạn “ăn nên làm ra” của đa số doanh nghiệp niêm yết. Số liệu lợi nhuận quý II đang được cộng dần vào số liệu định giá chung của thị trường, trong khi chỉ số VN Index vẫn đang lẩn quẩn quanh đáy. Điều này tạo ra hiệu ứng dễ thấy là mức định giá thị trường đang ngày càng rẻ đi.
Tính đến ngày 28-7, P/E của sàn HoSE chỉ 12,5 lần. Cũng phải nhắc lại rằng P/E của sàn HoSE thời điểm đáy tháng 3-2020 là 10,3 lần.

Một giai đoạn thị trường khác biệt
Đã có nhiều phân tích chỉ ra mức định giá của thị trường hiện tại đang rất thấp so với trung bình trong quá khứ. Thí dụ, mức P/E trung bình 5 năm gần nhất của thị trường là 16,3 lần, hay trung bình 10 năm là 14,5 lần. Với mức định giá ngày càng rẻ, nhưng TTCK Việt Nam lại không tăng trưởng suốt từ đầu tháng 7 tới nay. Đây dường như lại là sự trái ngược khó hiểu.
Tuy nhiên, việc so sánh với quá khứ như vậy không phải lúc nào cũng phù hợp, đặc biệt nếu nhìn thông qua chỉ số đại diện thị trường là VN Index. Việc phân hóa trong lợi nhuận, cộng với triển vọng của CP mang tính chu kỳ, đang tạo nên một giai đoạn thị trường rất khác so với quá khứ.
Không còn chuyện thị trường và CP cùng tăng, mà ngược lại dòng tiền trên thị trường lại đang lựa chọn các cơ hội riêng lẻ, theo nhóm ngành, mà trong nhiều trường hợp điều này “gây hại” cho chỉ số VN Index. Đó là thực tế đang diễn ra: chỉ số không tiến triển, chỉ có CP cụ thể tăng giá tốt hơn.
Lấy thí dụ 10 CP vốn hóa lớn nhất, có khả năng điều tiết chỉ số VN Index theo thứ tự là VCB, VHM, VIC, GAS, BID, MSN, VNM, NVL, CTG, TCB, kể từ đầu tháng 7 tới nay hầu như không tăng trưởng, hoặc tổng thể bị triệt tiêu lẫn nhau: VCB tăng 0,3%, VHM giảm 5,6%, VIC giảm 9,5%, GAS giảm 6,9%, BID tăng 6,1%, MSN giảm 1,2%, VNM tăng 3,5%, NVL giảm 1,1%, CTG tăng 3,3%, TCB tăng 3%. Có thể thấy diễn biến giảm giá xuất hiện ở toàn bộ top 6 (trừ VCB tăng không đáng kể), trong khi vốn hóa càng thấp mức tăng tốt hơn.
Đã có khá nhiều lời than vãn tại sao VN Index mãi không vượt được mốc 1.200 điểm, thậm chí còn đặt câu hỏi “không lẽ hàng thập niên thị trường không tăng trưởng?”, vì mốc 1.200 điểm có từ thời 2007! Nếu hiểu câu chuyện của chỉ số VN Index không phải là câu chuyện của thị trường và càng không phải là câu chuyện của CP, sẽ không bao giờ đặt câu hỏi như vậy.
Sự khác biệt của giai đoạn thị trường hiện tại cũng khiến việc so sánh với quá khứ không thật sự chính xác, là ở quy mô. Suốt lịch sử, mốc 1.200 điểm từng có 2 lần chạm tới (năm 2007 và 2018) và chỉ được vượt qua từ tháng 4-2021. Mỗi giai đoạn đó khối lượng CP phát hành mới lại gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là nửa sau năm 2021 đầu 2022 giá CP tăng mạnh giúp các doanh nghiệp phát hành thành công lượng CP khổng lồ.
Trừ việc trả cổ tức bằng CP, việc phát hành thêm ồ ạt đã rút đi lượng lớn tiền mặt trong thị trường - tiền chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) sang tài khoản doanh nghiệp phát hành. Thị trường đang thiếu tiền mặt trong mối tương quan với lượng CP mới quá nhiều, nên các sóng tăng sẽ không bao giờ như trước, trừ phi có được lượng tiền mới bổ sung. Đó là vấn đề lớn hơn của một chu kỳ giảm nới lỏng tiền tệ, thậm chí là thắt chặt sắp tới trên khắp thế giới.
Vậy thị trường không có cơ hội? Thật ra câu hỏi đúng hơn là “cơ hội nằm ở đâu”? Sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận doanh nghiệp trong bối cảnh dòng tiền hạn chế đã đòi hỏi sự năng động và thông minh hơn từ các NĐT. Phần lớn NĐT mới chỉ trải qua sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành theo hình thức đầu cơ, tức nhóm này tăng giá tốt thì bị chốt lời và tiền đổ sang các nhóm khác chưa tăng. Chu kỳ thị trường hiện tại là luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành, khi hình thành xu hướng tăng của nhóm ngành doanh nghiệp trong dài hạn.
 TTCK Việt Nam đang tồn tại nghịch lý: mức định giá ngày càng rẻ trong khi thị trường không tăng trưởng suốt từ đầu tháng 7 tới nay.

Các tin khác