Báo cáo Chính phủ trước 31-8

Dinh thự họ Vương ở Hà Giang bị quốc hữu hóa

(ĐTTCO) - Trong những ngày qua, thông tin kiến nghị của con cháu dòng họ Vương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tòa dinh thự họ Vương (Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) ở xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, khiến dư luận khá bất ngờ.
 Ngày 21-8, tỉnh Hà Giang đã họp và xúc tiến kiểm tra lại hồ sơ, hiện trạng để hoàn thành báo cáo trước 31-8.
Theo như thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 21-7-2018, ông Vương Duy Bảo (cháu nội của ông Vương Chí Sình), đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’mông ở Hà Giang. Trong thư, ông Bảo nói rõ: Tòa dinh thự họ Vương được Bộ VH-TT công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.
 Liên quan tới thư kiến nghị gửi Thủ tướng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương người H’Mông tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn của ông Vương Duy Bảo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VH-TT-DL báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị trước ngày 31-8.
Tuy nhiên, đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết quyết định này, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng. Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VH-TT thời kỳ đó. Tháng 3-2002, Bộ trưởng Bộ VH-TT khi đó là ông Phạm Quang Nghị đã ra văn bản khẳng định quyết định công nhận di tích của bộ không phải là quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp. 
Sự việc những tưởng dừng lại ở đó, nhưng mới đây gia đình ông Vương Duy Bảo được biết, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012. Thông tin này khiến bà con, họ hàng trong gia đình họ Vương rất bức xúc. 
Tháng 7-2018, Sở TN-MT Hà Giang có văn bản xác nhận, khu dinh thự họ Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là Phòng VH-TT huyện Đồng Văn. Sở cũng khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phòng là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”. Sở này cũng viện dẫn một trong những căn cứ cấp sổ đỏ chính là quyết định công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ VH-TT cấp. Không đồng tình với trả lời này, ông Vương Duy Bảo đã tiếp tục có thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ. 
Dinh thự họ Vương ở Hà Giang bị quốc hữu hóa ảnh 1 Dinh thự nhà họ Vương là một công trình kiến trúc đặc biệt, 
điểm đến thú vị của du khách. 
Trả lời phóng viên Báo SGGP về những vấn đề liên quan tới di sản, ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, cho biết, khi Nhà nước công nhận di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc buộc chủ sở hữu phải quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất. “Đây là tài sản của con người, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Luật Di sản văn hóa chỉ quy định những điều cần thiết bảo vệ di sản một cách tốt nhất chứ không quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất”, ông Thành nói.
Làm rõ những thông tin về việc con cháu nhà họ Vương đã nhận hỗ trợ tiền và đất vào năm 2002, ông Vương Duy Bảo cho biết, đúng là bố ông là Vương Quỳnh Sơn đã vận động mọi người trong dinh thự chuyển ra ngoài sinh sống.
“Nhưng chúng tôi chỉ được hỗ trợ tổng số tiền 500 triệu đồng cho 3 chủ thể sở hữu dinh họ Vương. Số tiền hỗ trợ đó chỉ để các gia đình họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống, tạo thuận lợi cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài dinh thự. Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước”.
Trao đổi với báo chí, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho biết bộ sẽ phối hợp với Bộ TN-MT sớm có đoàn thanh tra xuống địa phương để làm rõ sự việc trên.

Các tin khác