ĐTTC trích đăng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, về vấn đề này.
Bất cập truy vết và xét nghiệm diện rộng
TPHCM có số lượng dân cư trên 10 triệu người, chưa kể hàng triệu người nhập cư chưa đăng ký và người lao động vãng lai. Số người cao tuổi của TP cũng rất lớn. Mật độ dân cư nội thành cao, có nhiều khu công nghiệp lớn, đông công nhân lao động, nhiều khu sinh sống của người lao động, công nhân nhập cư rất chật chội, nhiều con hẻm hẹp đi lại hết sức khó khăn.
Người dân TP giao lưu đi lại, ăn uống, giải trí rất tấp nập đến 1-2 giờ sáng vẫn nhộn nhịp. Với điều kiện môi trường tiếp xúc người với người rất gần, dịch Covid-19 rất dễ lây lan.
Khi dịch bùng phát, TP thực hiện giãn cách xã hội hay phong tỏa chỉ hạn chế được sự ra vào TP, đi lại qua các quận huyện, nhưng sự tiếp xúc bên trong vẫn diễn ra. Virus vẫn tiếp tục lây lan mạnh từ người này sang người khác trong từng gia đình, từng con hẻm, khu dân cư, khu nhà trọ. Những lần tập trung đông người không được kiểm soát tốt như đi xét nghiệm, xin giấy đi đường, tiêm vaccine càng làm bùng phát dịch.
Với biến thể Delta có hệ số lây lan cao, 1 người có thể lây lan cho 10 người, có nghĩa dịch tăng lên theo cấp số nhân. Nếu tiếp tục truy vết và xét nghiệm hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở không thể đảm đương nổi.
Bên cạnh đó, khi xét nghiệm diện rộng tiêu tốn nhiều kinh phí, huy động nhiều người tham gia lấy mẫu không có chuyên môn, tập trung đông người dễ làm lây lan bệnh và kết quả lại thiếu chính xác. Chiến lược bóc tách toàn bộ ca dương tính bằng các chiến dịch xét nghiệm rộng toàn dân trở nên không phù hợp.
Việc phong tỏa, giãn cách kéo dài cũng ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội khám phát hiện và điều trị kịp thời của những người có bệnh nền như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh thận…
Việc cách ly tập trung hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người làm lây chéo trong nội bộ khu cách ly, tạo ra số lượng F0 lớn và người cách ly xong về nhà có thể lại lây cho người khác.
Trong số F0 có tới 80% là người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng chúng ta vẫn cách ly tập trung, không phân loại. Điều này làm quá tải các cơ sở y tế, tạo gánh nặng công việc và áp lực lớn cho nhân viên y tế, bào mòn sức lực của họ. Sự quan tâm chăm sóc y tế bị phân tán cho cả người không triệu chứng, những người có tình trạng nặng cần cấp cứu có thể không được xử lý kịp thời.
Bên cạnh tổn thất về con người, TPHCM cũng đang chịu những tổn thất kinh tế rất nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 gây ra. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, thu nhập trên đầu người của TPHCM sẽ giảm xuống âm 2,8% so với dự báo đầu năm tăng 6,5%, mất 6 tỷ USD tương đương 2% GDP của cả nước.
Bình thường TPHCM thu 1.400 tỷ đồng mỗi ngày, đến tháng 8 chỉ còn 800 tỷ đồng và còn tiếp tục giảm. Nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) bị giải thể, các đơn hàng từ nước ngoài rục rịch chuyển đi...
Ngành công nghiệp du lịch gần như kệt quệ. Hàng trăm ngàn công nhân có tay nghề được đào tạo trong các DN, khu công nghiệp ở TPHCM, các khu dịch vụ giải trí, du lịch khác đã trở về quê làm nông nghiệp và không chắc họ trở lại làm việc trong thời gian gần.
Thay đổi biện pháp chống dịch
Trước tình hình đó Bộ Y tế và TPHCM đã thay đổi các biện pháp chống dịch. Các F1, F0 được phân loại để cách ly và điều trị tại nhà thay vì tập trung vào khu cách ly tập trung hay bệnh viện dã chiến. Các cán bộ y tế cơ sở, thay vì chỉ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đưa người đi cách ly, đã được tham gia điều trị, tư vấn chăm sóc các F0 tại nhà. Các gói tự điều trị và chăm sóc F0 tại nhà cũng được phổ biến và cung cấp cho người bệnh.
Mạng lưới y tế tư nhân trước đây được đặt ngoài công cuộc chống dịch Covid-19 nay được huy động tối đa. Hệ thống điều trị được phân ra các tầng phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Ngành y tế cả nước được huy động hỗ trợ TP cả nhân lực lẫn vật lực.
Sự chuyển hướng chống dịch này đã góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong do Covid -19. Song song đó, TPHCM đã tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và hầu hết người dân trên 18 tuổi (91%) đã được tiêm ít nhất 1 mũi và một phần tư dân số đã được tiêm 2 mũi. Biện pháp tiêm vaccine cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên và tập trung vào điều trị các ca bệnh nặng, là 2 mũi chống dịch quan trọng nhất đối với TPHCM tại thời điểm này.
Song để thực hiện các biện pháp mới này, TPHCM cần có chiến lược mới nới lỏng giãn cách, phong tỏa, tiến tới chung sống với Covid-19. Chiến lược mới này dựa trên một số điều kiện tiên quyết.
Đó là tiêm vaccine cho toàn thể người dân, tăng cường giám sát, xét nghiệm trọng điểm, áp dụng các công nghệ 4.0 vào đời sống, giám sát dịch bệnh và thúc đẩy hành vi tự bảo vệ sức khỏe của mọi người dân bằng cách thực hiện nghiêm các nguyên tắc 5K. Việc tiêm bao phủ vaccine cho cộng đồng cần có kế hoạch thực hiện hợp lý từng bước.
Đối với sản xuất kinh doanh của các DN nên có các cơ chế mở cửa, thúc đẩy phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất. Theo đó, xây dựng lại các tiêu chí hoạt động của DN, phong tỏa, giãn cách linh hoạt, tránh phong tỏa tràn lan. Mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh, cộng đồng, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của người lao động, của cộng đồng, của cá nhân.
Bộ Y tế có thể nghiên cứu hạ dần cấp độ nguy hiểm của bệnh Covid-19, từ đó áp dụng các biện pháp chống dịch tương ứng. Giảm tối đa và tiến tới bỏ các giấy phép liên quan đến vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Mở dần vận tải công cộng để người dân có thể đi lại giao thương. Các khu nghỉ mát như các resort rộng rãi, yên tĩnh có thể cho vận hành trở lại để đón khách nước ngoài. Các bãi biển, các khu giải trí cũng dần có cơ chế phòng dịch phù hợp để đón khách, trước mắt là những người đã tiêm chủng.
Định hướng mới cho công tác chống dịch Covid-19 trong giai đoạn tới là thay vì có vài ca F0 sẽ phong tỏa toàn khu vực, mà sẵn sàng sống chung với dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới. |