Dịp may hiếm có cho kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh, việc giá xăng dầu giảm 20% có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 1,8-2,2%.

Theo các chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh, việc giá xăng dầu giảm 20% có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 1,8-2,2%.

 

Giá xăng dầu thế giới giảm liên tục trong thời gian gần đây khiến dư luận và nhiều chuyên gia lo ngại trước viễn cảnh kim ngạch xuất khầu dầu và thuế nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu. Các tính toán cụ thể cho thấy, việc giảm giá xăng dầu có lợi cho nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn.

2 kịch bản

Các tính toán nhằm ước lượng mức độ ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu cho thấy 2 kịch bản:

Kịch bản 1: Giá xăng dầu giảm khiến chi phí trực tiếp của nền kinh tế giảm, từ đó dẫn đến tăng giá trị gia tăng trong chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Giả thiết giá xăng dầu giảm 20%, tổng chi phí trực tiếp sẽ giảm 1,41%, GDP sẽ tăng xấp xỉ 1,8%. Tuy nhiên, việc tăng GDP này cơ bản do lợi nhuận tăng lên, không lan tỏa nhiều đến thời kỳ kinh tế sau và nền kinh tế nói chung không được hưởng lợi gì nhiều.

Kịch bản 2: Nếu giá xăng dầu giảm dẫn đến giá sản xuất (PPI) giảm sẽ lan tỏa mạnh hơn đến nền kinh tế. Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy, nếu giá xăng dầu giảm 20% sẽ dẫn tới chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ sản xuất đầu tiên khoảng 0,8%.

Khi nền kinh tế sử dụng các sản phẩm đã được giảm giá thành làm chi phí đầu vào thì giá thành ở chu kỳ mới sẽ giảm tiếp 0,3-0,5%, như vậy việc giá xăng dầu giảm sẽ khiến chỉ số giá sản xuất năm 2015 giảm 1,1%-1,3%. Khi đó, GDP tăng khoảng 2,2% và thuế gián thu sẽ tăng khoảng 3,2%, nếu tính cả lạm phát thì thuế gián thu sẽ tăng khoảng 8%.

Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm khoảng 40%. Tính toán cho thấy, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2015, giá trị gia tăng của nền kinh tế (GDP) ước tính tăng khoảng từ 2-2,3% và chỉ số giá sản xuất giảm khoảng 0,95%-0,98%. Đến chu kỳ sản xuất sau (khoảng 6-8 tháng sau), GDP sẽ tăng khoảng 2-2,13% do mặt bằng giá của nền kinh tế giảm.

Như vậy, giá dầu dù hạ xuống 50 USD một thùng cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng của nền kinh tế. Nói cách khác, trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn, việc giá dầu thế giới giảm cơ bản là một thuận lợi, một dịp may hiếm có để tạo đà cho nền kinh tế trong năm 2015.

Giá cả và ứng xử của Nhà nước

Việc Bộ Tài chính quyết định dừng việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu và quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá thể hiện tầm nhìn rất đáng hoan nghênh. Điều này dẫn đến khả năng đạt hoặc thậm chí vượt kế hoạch tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Việc can thiệp vào thuế một cách phù hợp sẽ không chỉ bình ổn được giá cả, mà còn giúp giá thành sản xuất giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển một cách toàn diện và bền vững. Đây cũng là biện pháp thể hiện tinh thần trọng cung, trong khi việc can thiệp vào phía cầu kiểu Keynes dường như không còn tác dụng mà chỉ ẩn chứa rủi ro về lạm phát, thâm hụt thương mại và gia tăng nợ nần.

Một việc nữa thể hiện cách ứng xử rất đáng ghi nhận của Chính phủ là mới đây Thủ tướng đã không đồng ý với EVN trong việc tăng giá điện trong thời điểm hiện nay (hoãn đến sau Tết âm lịch). Tính toán từ mô hình cho thấy, nếu giá bán điện tăng 9,5% như đề xuất của EVN sẽ ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá sản xuất 0,25%, ảnh hưởng lan tỏa khoảng 0,5% và làm GDP giảm khoảng 0,55%.

Như vậy, nếu có sự can thiệp không phù hợp của cơ quan điều hành, cộng với sự tính toán ngắn hạn mang tính “chộp giật” của các doanh nghiệp, cơ hội của việc giảm giá xăng dầu có thể biến thành thách thức đối với nền kinh tế.

Đáng tiếc là các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp vận tải dường như chưa có cách ứng xử tương thích với giá xăng dầu giảm sâu. Chi phí vận tải đầu vào giảm chưa thích hợp khiến cơ hội để nền kinh tế đạt tăng trưởng cao trong năm 2015 có thể bị từ chối.

Nhiều dự đoán của các chuyên gia cho rằng, năm 2015 sẽ có nhập siêu về hàng hóa. Từ số liệu của 2 năm gần đây có thể thấy, nếu dịch vụ logicstic của Việt Nam phát triển mạnh hơn sẽ dẫn tới cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện bù đắp cho phần chênh lệch của xuất nhập khẩu hàng hóa. Dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong nước tăng lên chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị nhập khẩu theo giá CIF (Cost, Insurance and Freight - Giá thành gồm bảo hiểm và cước) không chỉ trực tiếp làm tăng GDP trong ngắn hạn mà còn góp phần làm tăng nguồn lực trong dài hạn.

Cuối cùng, cũng phải nhắc đến một thực trạng đáng buồn khác, là một trong những nguyên nhân khiến giá thành các sản phẩm (PPI) không giảm tương xứng như giá xăng dầu. Đó là việc các doanh nghiệp phải “đón tiếp” rất nhiều đoàn kiểm tra trong dịp áp Tết, với chi phí không nhỏ như một loại thuế gián thu mà người tiêu dùng và xã hội phải gánh chịu. Điều này không chỉ gây ức chế, bức xúc cho doanh nghiệp, mà còn khiến giá thành khó hạ và đương nhiên làm chậm lại nhịp tăng trưởng!

Các tin khác