DN nội vẫn 'thất thế' trong khi DN FDI đang lấy lại 'phong độ'

(ĐTTCO) - Những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, thị trường bị thu hẹp, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài.
Năm 2022, khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh trở ngại trong tiếp cận tín dụng

Năm 2022, khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh trở ngại trong tiếp cận tín dụng

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, số DN dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số DN gia nhập thị trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan ngại trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo đó, trung bình mỗi tháng trong quý I, khoảng 20.100 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tình hình kém lạc quan này không chỉ thể hiện qua số liệu thống kê về tăng trưởng, mà còn phản ánh qua chỉ số niềm tin kinh doanh của DN ở mức gần như thấp nhất trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát DN thường niên.

Trong năm 2022, chỉ 5,1% DN tăng vốn đầu tư và 4,9% DN tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức tương ứng của năm 2019 (với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 11,5%). Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 chỉ 42,6% DN tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019. Tỷ lệ DN báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

Theo khảo sát năm 2022, các DN FDI đã có dấu hiệu sự phục hồi sau đại dịch Covid-19. Năm 2021 có 38,7% DN FDI báo lãi (mức thấp kỷ lục 12 năm qua), thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên mức 42,8%. Tỷ lệ DN báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,9% năm 2022. Tỷ lệ DN tăng quy mô lao động tăng từ 50,6% của năm 2021 lên 56,8% của năm 2022, song vẫn thấp hơn đáng kể con số 61,6% của năm 2019. Chỉ có 6,24% DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Vẫn theo báo cáo nêu trên của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà DN đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, thị trường bị thu hẹp, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài. Một số khó khăn đáng chú ý khác bao gồm biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm nhà cung cấp.

Đáng nói là với khoảng 55,6% DN phản ánh trở ngại trong tiếp cận tín dụng (tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021), tỷ lệ DN vay vốn từ các ngân hàng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Vào năm 2017, tỷ lệ này là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ DN có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% DN đang có khoản vay từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, tỷ lệ DN đang có khoản vay từ các ngân hàng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ DN đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.

Các tin khác