Trong khi không ít kiểm toán viên, công ty kiểm toán được DN “chăm sóc” kỹ lưỡng nhằm không “lôi” ra những điểm “đen” trong báo cáo tài chính (BCTC) của DN, thì một số công ty kiểm toán lại rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” vì bị DN “quỵt” tiền phí kiểm toán.
Công ty kiểm toán bị… “quỵt” tiền
Phó giám đốc một công ty kiểm toán có tiếng, nằm trong danh sách các đơn vị kiểm toán được phép kiểm toán cho DN niêm yết, trước đây, chưa khi nào chị nghĩ kiểm toán mà cũng dính… nợ xấu.
Thế nhưng, thực tế hiện nay là tiền lương thì đã chi cho kiểm toán viên, trợ lý kiểm toán, trong khi nhiều DN nợ phí kiểm toán, thành ra công ty cũng bị kẹt tiền.
Chị cho biết, mức phí bình quân kiểm toán một DN là 150 triệu đồng/năm, có trường hợp hơn 200 triệu đồng. Có một DN ngành bất động sản, niêm yết trên HOSE từ đầu năm 2009, tính đến nay đã nợ công ty chị hơn 1 tỷ đồng tiền phí kiểm toán. Ngoài ra, nhiều DN niêm yết khác, trong đó có 2 CTCK cũng nằm trong danh sách những khách hàng đang nợ phí kiểm toán, mỗi công ty nợ vài trăm triệu đồng.
“Công ty kiểm toán có vốn ít, chi phí tiền lương chiếm gần hết doanh thu, nên tổng số tiền DN nợ lên tới hàng tỷ đồng khiến Ban lãnh đạo công ty méo mặt, phải bỏ tiền túi nuôi anh em kiểm toán viên”, phó giám đốc công ty kiểm toán nêu trên nói.
Theo ghi nhận từ các kiểm toán viên, trước đây, hầu hết khoản phí kiểm toán được các DN trả sòng phẳng, thậm chí không ít kiểm toán viên còn được DN “quan tâm” bằng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, số DN nhận báo cáo kiểm toán xong, chây ì không chịu trả tiền phí kiểm toán đang tăng lên theo mức độ khó khăn của DN. Nhiều trường hợp công ty kiểm toán phải chấp nhận ký hợp đồng kiểm toán mới để có cơ hội đòi nợ cũ.
“Trong đợt ra báo cáo soát xét BCTC bán niên vừa rồi, công ty phải áp dụng chiêu không trả báo cáo soát xét, yêu cầu DN trả một phần nợ gốc mới trả báo cáo. Cách này không hay ho gì, nhưng trong bối cảnh khó khăn cũng đành phải áp dụng”, một kiểm toán viên bật mí chiêu đòi nợ DN của công ty mình.
Tuy nhiên, cách mà công ty kiểm toán này dùng không thể áp dụng đồng loạt cho các công ty kiểm toán và các khách hàng. Một phần vì theo quy định, công ty kiểm toán không thể kiểm toán BCTC của một DN quá 2 năm, một phần vì đôi khi để trốn nợ, DN sẵn sàng tìm đến một công ty kiểm toán mới.
Hỏi về lý do vì sao không kiện DN để đòi nợ, hoặc dùng áp lực thông tin (vì nhiều DN trong số này là công ty đã niêm yết, CTCK), câu trả lời của đại diện công ty kiểm toán nêu trên là: toàn người quen, nên không nỡ kiện nhau.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có thể công ty kiểm toán đang trong tình trạng “há miệng mắc quai”, đó là những thỏa thuận ngầm, những lợi ích mà công ty kiểm toán nhận được trái quy định trong giai đoạn trước, giờ nếu kiện DN (đang trong tình trạng khó khăn) sẽ có nguy cơ bị lộ tẩy.
Tăng cạnh tranh không lành mạnh
Khó khăn, các DN muốn tiết kiệm chi phí hoặc muốn có BCTC kiểm toán “như ý” là lý do khiến tình trạng công ty kiểm toán cạnh tranh không lành mạnh về phí và chất lượng dịch vụ kiểm toán có cơ hội bùng phát.
Một kiểm toán viên cho biết, giữa năm vừa qua, công ty anh chào mức phí kiểm toán 150 triệu đồng cho một DN có quy mô tương đối lớn. Ở mức phí trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, mà phần lớn là thu nhập của kiểm toán, các trợ lý kiểm toán và hoa hồng, thì lợi nhuận cho công ty kiểm toán không nhiều.
Thế nhưng, chỉ một tuần sau đó, một công ty kiểm toán khác nhảy vào chào với mức giá chỉ… 25 triệu đồng. Cuối cùng, DN chọn mức phí 25 triệu đồng.
“Ở mức phí đó, công ty kiểm toán chỉ có thể là ‘bán dấu ăn tiền’, chứ không bao giờ có thể thực hiện kiểm toán nghiêm túc cho một DN quy mô lớn như vậy. Cạnh tranh không lành mạnh, nhưng DN họ cũng đang khó khăn, thành ra những người làm nghề như mình lại khó sống. Người thiệt hại nhất chính là các cổ đông thôi”, anh này nói.