DN Việt cần làm gì để tăng cường xuất khẩu?

(ĐTTCO) - Bên cạnh việc tận dụng triệt để các FTA Việt Nam tham gia để vượt qua giai đoạn xuất khẩu khó khăn hiện nay, DN cũng cần lưu ý những nhận định các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022. 
Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẩn chưa tận dụng hết tiềm năng từ các FTA.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẩn chưa tận dụng hết tiềm năng từ các FTA.
Chuyên gia kinh tế  TỪ MINH THIỆN:

Tái cấu trúc DN xuất khẩu

Các FTA đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật… phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế. Các DN phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư. Một trong những giải pháp quan trọng là tái cấu trúc DN để thích ứng với bối cảnh tình hình mới, giúp DN có thể duy trì sự phát triển, nâng cao năng lực quản lý. 
Để tái cấu trúc DN xuất khẩu, cần lưu ý những vấn đề, như xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của DN. Chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo quốc tế, hội chợ - triển lãm quốc tế, roadshow…
Gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống, cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức, như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách…
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, các hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tận dụng các công cụ trực tuyến, đặc biệt các nền tảng (platform). Đào tạo và chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. 
Ông SHON YOUNG IL, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại - công nghiệp Hàn Quốc
tại miền Trung và Nam Việt Nam:

Cải thiện giá thành, bao bì và thuế

Nhiều DN Hàn Quốc muốn nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, nhưng không thể thực hiện bởi nhiều nguyên nhân và những vấn đề cần được cải thiện. Đó là giá hàng hóa Việt Nam cao hơn so với các đối thủ, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Điều này không chỉ do các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành như nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, còn do các chi phí gián tiếp cao như chi phí hậu cần, phân phối, thuế. Vì vậy, các công ty phải cần nỗ lực để cải thiện giá thành và cải thiện chi phí gián tiếp.
Về bao bì, thiết kế, có nhiều đánh giá rằng chất lượng sản phẩm của Việt Nam tốt hoặc bằng các nước khác, nhưng do bao bì, đóng gói kém hơn làm người tiêu dùng không lựa chọn hàng Việt Nam. Đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhiều trường hợp phần giới thiệu bằng tiếng Hàn trên bao bì không chính xác, sai lỗi chính tả hoặc khó hiểu, khiến người mua mất lòng tin vào sản phẩm. 
Tăng cường các mặt hàng xuất khẩu thông qua thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản. Thí dụ, các mặt hàng trái cây xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc và Việt nam được 2 chính phủ thống nhất cấp phép cho 5 loại. Cần phải nổ lực gia tăng mặt hàng xuất khẩu lên 8-10 mặt hàng như các nước khác mới có thể cho thấy hiệu quả tốt được. 
Tiếp theo cần tăng cường nghiên cứu theo thị trường xuất khẩu. Mỗi thị trường đều có sự khác nhau, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đều khác nhau nên phải có sự chuẩn bị cho phù hợp. Thí dụ, mặt hàng cà phê, người Hàn Quốc thích uống cà phê nhạt như Amrericano, còn người Việt Nam lại thích cà phê đậm theo phong cách châu Âu như là Expresso. Do việc phát triển mặt hàng cà phê Americano còn yếu nên lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc không nhiều. Nếu cải thiện được điều này, lượng cà phê xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ tăng lên.
DN xuất khẩu rất cần hỗ của Chính phủ hỗ trợ. Hiện nhiều công ty sản xuất hàng hóa tại Việt Nam trực tiếp xuất khẩu, nhưng cũng có nhiều trường hợp xuất khẩu thông qua công ty thương mại tại TPHCM. Các công ty có thể cung cấp nhiều thông tin và có nhiều năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu. Vấn đề ở đây là thuế giá trị gia tăng. Công ty thương mại tại TPHCM mua hàng từ các công ty sản xuất tại Đồng Nai, Bình Dương… sau đó xuất khẩu  không qua gia công phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào. Phần thuế này sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu, nhưng để tiến hành hoàn thuế thủ tục phức tạp hoặc mất nhiều thời gian, hoặc số tiền hoàn bị giảm tùy vào từng cơ quan thuế. Việc này có thể gây thiệt hại cho công ty xuất nhập khẩu.
Cần xem xét vấn đề này và nên áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu vào ngay từ lúc mua hàng là 0% cho các công ty thương mại mua hàng và xuất khẩu không thông qua gia công. 
Ông THUE QUIST THOMASEN, Chủ tịch Hiệp hội các DN Bắc Âu tại Việt Nam: 

Chất lượng phải là kim chỉ nam

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, nhưng DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của hiệp định này. Liên minh châu Âu (EU) có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Do đó DN muốn xây dựng thương hiệu ở EU cần nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đòi hỏi DN và hiệp hội DN phải chủ động tìm hiểu thông tin để có hiểu biết toàn diện về hiệp định, nhằm thích nghi, áp dụng đổi mới trong sản xuất và đảm bảo tính tuân thủ. 
Trong khối ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều nhất sang khu vực Bắc Âu, nhưng mới chiếm 1% thị phần, chứng tỏ còn rất nhiều dư địa để phát huy thế mạnh của Việt Nam. Với thị trường Bắc Âu, một trong những sản phẩm ưu tiên xuất khẩu là nông sản hữu cơ.
Thị trường Bắc Âu ưa chuộng bao bì thân thiện môi trường và công nghệ được áp dụng trong việc tự sản xuất. Các DN cần không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức và phát triển thông qua các biện pháp, như điều chỉnh quy trình sản xuất và chất lượng dịch vụ để phù hợp với thị hiếu và sở thích của thị trường mục tiêu.
Quan trọng, DN cần thay đổi nhận định của người tiêu dùng châu Âu về hàng Việt Nam, để hàng Việt luôn là những mặt hàng chất lượng tốt, giá phải chăng.

Các tin khác