Chia sẻ tại tại hội thảo "Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội HVNCLC tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá trong năm 2024 các thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động, bởi vì các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những DN có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm.
Ông Tuấn Anh cho biết trong những năm gần đây các DN Nhật Bản tham gia rất mạnh vào các thương vụ M&A tại Việt Nam. Tiêu biểu như Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy).
Sở dĩ có xu hướng này, theo TS Anh là do đồng yên đang mất giá các DN Nhật đang tìm cách “mang tiền đi đầu tư nước ngoài” (như vào Việt Nam), vẫn là lựa chọn tốt hơn, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới.
Không chỉ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, theo Luật sư Đào Tiến Phong, người điều hành công ty tư vấn InvestPush, cho biết giới đầu tư Trung Quốc cũng đang quan tâm tới mua bán sáp nhập ở Việt Nam. Khẩu vị của họ là các nhà sản xuất có sẵn đơn hàng đi Mỹ, châu Âu.
"Ở phía Nam, các nhà đầu tư chuộng M&A hơn đầu tư trực tiếp, để tránh mất thời gian xây dựng nhà máy và đáp ứng các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy", ông Phong nêu.
Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải làm sao để tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ.
Đơn cử, thương vụ M&A tại thị trường nội địa Nhật Bản trong 3 tháng có thể hoàn tất một thương vụ, ngược lại Nhật Bản với thị trường toàn cầu phổ biến là cần 6 tháng. Trong khi đó, thương vụ của Nhật Bản với thị trường Việt Nam phải mất thời gian hơn một năm, vì giới hạn hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán.
Thực tế không chỉ nhà đầu tư ngoại quan tâm đến DN Việt mà ngay chính các DN trong nước cũng quan tâm đến nguồn vốn ngoại. Nói kỹ hơn về điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài là xu hướng lớn của các DN Việt Nam.
Bởi vì hiện nay nguồn vốn trong nước cũng có nhưng đắt đỏ, chi phí vốn cao so với các nước xung quanh chưa kể đến nước phát triển. Thậm chí, có thể vốn có sẵn nhưng làm cách nào để huy động và phân bổ nguồn vốn đến DN, có tiếp cận được thì vẫn rất khó khăn. Bên cạnh nguồn vốn thì các DN còn tìm kiếm các yếu tố khác khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài qua các thương vụ M&A đó là: công nghệ, kỹ năng, quản trị, thị trường, tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Chia sẻ thêm với các DN, bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc của Quỹ đầu tư TAEL Partners tại Việt Nam chỉ ra rằng, khi nghĩ đến kêu gọi vốn, thực hiện thương vụ M&A doanh nghiệp cần trả lời hai vấn đề là công ty cần gọi vốn để làm gì và hệ quả từ sự tham gia của nguồn vốn đó như thế nào.
Hơn nữa, để hoàn thành một kêu gọi vốn, thực hiện thương vụ M&A có rất nhiều đơn vị tham gia, riêng đối với doanh nghiệp cần chủ động đánh giá thế mạnh của công ty và trên nền tảng này xây dựng chiến lược quản trị kinh doanh có khả năng thu hút nguồn vốn.