Sự tồn tại quan hệ thân hữu giữa các thành viên HĐQT, cũng như HĐQT với ban lãnh đạo là một khó khăn đối với nhà đầu tư nước khi cân nhắc bỏ tiền vào doanh nghiệp. CEO cần thiết phải minh bạch...
![]() |
16 năm làm việc tại Hoa Kỳ, trở về Việt Nam năm 2003, sau quá trình tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp ông Nguyễn Thế Lữ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) đã có những chia sẻ tại Ngày hội Chứng khoán do Vinabull tổ chức cuối tuần, qua đó có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có cơ hội tìm kiếm vốn đầu tư từ nước ngoài.
Thứ nhất, lợi ích doanh nghiệp hay lợi ích cá nhân? Theo ông Lữ, việc thưởng cổ phiếu cho HĐQT và Ban lãnh đạo khi họ hoàn thành kế hoạch là một yếu tố giúp họ nghĩ về tương lai lâu dài của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa họ phấn đấu để tạo ra giá trị cho công ty, cho các cổ đông vì danh dự của họ.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam ngoại trừ các công ty lớn, các công ty có quy mô vừa và nhỏ phần lớn lợi ích thường tập trung vào một nhóm người, có tính cá nhân.
Đây là điều mâu thuẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ gặp gỡ và tiếp xúc với doanh nghiệp – các giao dịch thường hiện rõ cá nhân sẽ được gì chứ không phải đặt trên hết là công ty sẽ được gì. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoại muốn đầu tư vào những công ty mà ban lãnh đạo suy nghĩ sâu hơn, lâu dài hơn cho tương lai của doanh nghiệp.
Thứ hai, đạo đức kinh doanh, tính minh bạch, cách thức quản trị doanh nghiệp: Các nhà đầu đầu tư nước ngoài cảm thấy các doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi họ yêu cầu được xem các mối quan hệ/mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT và Ban lãnh đạo...
Thêm vào đó, các doanh nghiệp không dễ dàng dành thời gian cho các nhà đầu tư chưa nắm giữ nhiều cổ phiếu/chưa có nhiều danh tiếng, ít có niềm tin các nhà đầu tư này sẽ có tiền đầu tư vào doanh nghiệp nếu như chưa có được các giấy tờ chứng minh tài sản/nguồn tiền/quan hệ của nhà đầu tư này. Ông Lữ đưa ra ví dụ về việc doanh nghiệp yêu cầu đưa giấy chứng nhận tài khoản từ ngân hàng HSBC thì họ mới tín tưởng là nhà đầu tư có tiền.
Cách ăn mặc thể hiện tính chuyên nghiệp khi tiếp xúc nhà đầu tư cũng là điều phải lưu ý để tạo niềm tin. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải mặc các đồ hiệu LV, nhãn hàng nước ngoài...
Thứ ba, Các công ty quản lý quỹ tìm kiếm gì ở Ban lãnh đạo? Khi đánh giá một công ty để chuẩn bị đầu tư, các chuyên viên của quỹ sẽ nhìn vào chỉ tiêu đánh giá hoạt động kinh doanh: lợi nhuận, doanh thu, EPS; giá cổ phiếu, khách hàng.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu này không hẵn sẽ có tính quyết định một quỹ/nhà đầu tư nên đầu tư hay không. Ông Lữ cho biết, bên cạnh các chỉ tiêu đánh giá đầu tư vào một doanh nghiệp trên tất cả là đầu tư vào con người, vào ban lãnh đạo. “Chúng tôi phải gặp Tổng giám đốc, ban điều hành, Chủ tịch HĐQT và tìm hiểu xem lịch sử của các thành viên này” – Ông Lữ chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, HĐQT không nên tham gia vào điều hành. Ở Việt Nam, thường chủ tịch HĐQT là người mạnh nhất, nhưng nếu so sánh với các doanh nghiệp ở nước ngoài niêm yết ta thấy Tổng giám đốc - CEO là người mạnh nhất.
Mặc dù, CEO có vị trí dưới HĐQT, chủ tịch HĐQT có thể đuổi việc Tổng giám đốc nhưng CEO là người mạnh nhất bởi CEO là người điều hành một doanh nghiệp, HĐQT chỉ đạo mà thôi.
Sự độc lập của các thành viên HĐQT cũng rất quan trọng. Việc có quan hệ thân hữu giữa các thành viên HĐQT, cũng như HĐQT với ban lãnh đạo là một khó khăn đối với nhà đầu tư nước khi cân nhắc bỏ tiền vào doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, có những doanh nghiệp thành viên HĐQT chỉ là những người thân của người khác trong HĐQT, đứng tên giúp người này. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài biết có quan hệ thân hữu trong Ban lãnh đạo nhưng một ít họ vẫn phải chấp nhận đầu tư.
Đối với CEO cũng cần phải minh bạch thông tin cả về lý lịch khoa học, bằng cấp. Cách đây 2 tháng CEO của Yahoo bị đuổi, nhưng ở Việt Nam rất khó để có trường hợp này xảy ra.
Trách nhiệm của CEO trong việc có hay không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Ở nước ngoài CEO sẽ bị xem xét khi không hoàn thành kế hoạch năm thậm chí kế hoạch mỗi quý. Cổ đông có thể đẩy áp lực lên HĐQT để thay CEO. Điều này chưa xảy ra ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này cho thấy một khi đã niêm yết, trách nhiệm của CEO căng thẳng hơn rất nhiều khi chưa niêm yết. Nếu chưa thể đáp ứng được doanh nghiệp không nên niêm yết. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của Tổng giám đốc cũng rất quan trọng. Nhà đầu tư thích đầu tư vào những công ty CEO nắm giữ nhiều cổ phiếu.
Ngoài ra, Chủ tịch, CEO, Giám đốc tài chính phải có sự độc lập, không có quan hệ thân hữu, công ty kiểm toán có uy tín độc lập là điều khiến nhà đầu tư tin tưởng hơn.