Để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, hình thành nếp sống văn minh đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM, cần phải có những tiêu chí, chuẩn mực làm căn cứ để mọi thành viên trong cộng đồng noi theo, cũng như để kiểm tra, giám sát, đánh giá theo lộ trình phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.
Giữ gìn nét đẹp dân gian
Trong xu thế phát triển chung của TPHCM, một yêu cầu mang tính tất yếu là đẩy mạnh việc xây dựng đô thị, nâng các huyện ngoại thành trở thành các quận, hoặc các thành phố vệ tinh của TPHCM. Điều đó có nghĩa là sự vận động và phát triển của đời sống văn hóa - xã hội người dân các huyện cần có sự quan tâm để đầu tư, định hướng phát triển và đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với sự chuyển đổi đó, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn.
Địa đạo Củ Chi - Điểm tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa đặc trưng của huyện Củ Chi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
TS Lê Thị Ngọc Diệp (Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, Chủ nhiệm đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030”), phân tích: “Thiết chế văn hóa truyền thống (hoặc thiết chế văn hóa cổ truyền), tức là các thiết chế ra đời trong xã hội nông nghiệp cổ truyền trước đây và còn tồn tại cho đến ngày nay. Như thiết chế tín ngưỡng dân gian, nhiều người có thể không ngờ rằng Sài Gòn - TPHCM là một thành phố với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh nhất nước mà vẫn còn nguyên đó gần 300 ngôi đình, đền, hàng chục lăng... Đây là nơi thường xuyên diễn ra những sinh hoạt thờ cúng thần Thành Hoàng và các nhân vật lịch sử, một tập tục lâu đời và phổ biến có quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tâm thức mang tính đạo lý chung của người Việt Nam - Uống nước nhớ nguồn”.
Về thiết chế tôn giáo, TPHCM gồm hàng ngàn thiết chế chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, giáo đường… với các lễ hội định kỳ cùng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thường xuyên của tất cả cộng đồng người có mặt trên địa bàn thành phố. Điều cần nhấn mạnh ở đây là những thiết chế này không chỉ gắn liền với các cộng đồng tín đồ tôn giáo, với những nghi thức thực hành các tín điều giáo lý, đọc giảng kinh kệ, nhằm hướng về tôn thờ giáo chủ, mà đôi khi nó còn có thể là các sinh hoạt mang màu sắc đặc thù của phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng riêng thuộc các cộng đồng dân tộc ít người cư trú tại địa phương, hoặc là nơi hoạt động hội hè, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân sở tại.
Xung đột di sản nông nghiệp
Đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược đối với đời sống ở các huyện ngoại thành. Với sự phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cộng, thương mại và công nghiệp, quá trình đô thị hóa có thể mang lại nhiều cơ hội cho những huyện ngoại thành TPHCM, nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng.
TS Trương Hoàng Trương, Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH- NV TPHCM, chia sẻ: “Nếu không giữ gìn văn hóa cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng tại các huyện ngoại thành, có thể dẫn đến những hệ lụy như làm phai mờ và đánh mất tính cộng đồng của cư dân các huyện ngoại thành. Chẳng hạn trường hợp vùng giáp ranh TP Thủ Đức, Bình Dương và Đồng Nai, chỉ sau vài năm, tính cộng đồng nơi đây đã sụt giảm nhanh chóng do đô thị hóa. Người dân dần sống khép kín hơn, ít có các hoạt động chung, những nét văn hóa đặc thù dần biến mất... Do đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng là điều cần thiết trong quá trình đô thị hóa tại các huyện ở TPHCM”.
Quá trình đô thị hóa dẫn đến sự suy giảm các giá trị văn hóa cộng đồng, vì những giá trị đó thường được xây dựng và phát triển trong một không gian với nền tảng lịch sử, truyền thống và tập quán của người dân địa phương. Đô thị hóa có thể dẫn đến những biến đổi về thành phần dân cư, không gian sinh hoạt, môi trường tự nhiên... một cách nhanh chóng và làm mất đi tình cảm, niềm tin và tự hào của người dân địa phương đối với nơi họ sinh sống.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, bày tỏ: “Việc xây dựng văn hóa đô thị tại các huyện ở TPHCM hiện nay, phải chú trọng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện. Các huyện trước đây được xem là ngoại thành thì liệu bây giờ còn là ngoại thành không, còn giữ được bao nhiêu phần trăm là nông thôn? Các đô thị phát triển trên thế giới không tách nông nghiệp ra khỏi đô thị, mà phát triển theo một hình thái phù hợp, chẳng hạn như nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa bản địa song hành cùng văn hóa hội nhập quốc tế”.
Tiềm năng để các huyện tại TPHCM xây dựng và phát triển văn hóa địa phương đều được các chuyên gia đánh giá cao, nhưng trước hết phải giải bài toán di sản nông nghiệp phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Cùng với đó là việc bảo vệ các thiết chế văn hóa truyền thống và đầu tư đồng bộ hơn các thiết chế văn hóa hiện đại.
PGS-TS HUỲNH QUỐC THẮNG, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM: Không để mất di sản nông nghiệp
Đô thị hóa và xây dựng văn hóa đô thị là đều cần thiết, nhưng không thể để mất di sản nông nghiệp. Phải phát huy được những mặt tích cực của nông nghiệp - nông thôn - nông dân và phát triển theo một hình thái mới phù hợp bối cảnh thực tế, như nông nghiệp đô thị kết hợp công nghệ cao. Phát triển du lịch ngoại thành cũng là một trong những điểm sáng cần lưu ý trong xu thế phát triển hiện nay.
Ông VÕ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Dựa trên bản sắc từng huyện
Để hoàn thành Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030”, chúng ta cần có lộ trình nghiên cứu cụ thể, và quan trọng hơn hết là chú trọng sự riêng biệt của từng địa phương, giữ được bản sắc của từng nơi. Mỗi huyện phải nghiên cứu và có những đề xuất tiêu chí phù hợp với thực tiễn địa bàn của mình… Chúng tôi đề cao và lắng nghe tình hình thực tiễn của từng nơi, để đưa ra những tiêu chí phù hợp nhất.
Ông TRƯƠNG PHI HÙNG, Trưởng Phòng VH-TT, huyện Bình Chánh: Thiết chế văn hóa cơ sở xuống cấp
Hiện tại, trên địa bàn huyện Bình Chánh, các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa xã, liên xã hiện nay đã xuống cấp rất nhiều. Dự toán nâng cấp toàn diện các thiết chế trên địa bàn huyện ước tính khoảng 800-900 tỷ đồng, huyện không thể gánh nổi. Muốn đưa các hoạt động xã hội hóa như câu lạc bộ cà phê khởi nghiệp, hay hội nhóm cũng không được, vì để xã hội hóa, kinh phí không có, con người không có…