Người dân đổ xô đi mua xăng trên đường Nguyễn Thị Thập lúc 22 giờ, ngày 10-3. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tranh thủ trước giờ G
Hơn 10 giờ ngày 10-3, nhiều cửa hàng xăng dầu trên các tuyến đường nội đô lẫn ngoại thành đã xảy ra cảnh người dân điều khiển xe máy, ô tô chực chờ đổ xăng dầu. “Người dân nghe tin ngày 11-3 giá xăng dầu tăng mạnh nên ghé vào đổ nhiều hơn gấp mấy lần ngày thường. Nhiều người xe còn hơn nửa bình xăng cũng đợi đổ đầy bình. Có người còn mang can đi mua xăng dầu nhưng chúng tôi không bán”, một nhân viên cửa hàng xăng dầu IMC trên đường Phan Huy Ích (phường 14, quận Gò Vấp) cho hay. Trước tình cảnh người dân chen chúc đi đổ xăng quá đông, một số cửa hàng xăng dầu trên đường Phạm Văn Chiêu, Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), quốc lộ 22 (quận 12)… đã thông báo hết xăng RON 95.
Ghi nhận của PV SGGP lúc 15 giờ ngày 10-3, tại cây xăng 787 Lũy Bán Bích (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) có gần 10 ô tô chờ đổ xăng, dầu. Đang sở hữu 8 chiếc xe khách 45 chỗ, ông Liên Văn Cường than vãn, từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu đã tăng 7.000 đồng/lít. Nếu xăng dầu tăng gần 5.000 đồng/lít, doanh nghiệp cũng tiết kiệm hơn 10 triệu đồng nên phải tranh thủ đưa xe đi đổ dầu.
Từ khoảng 17 giờ chiều 10-3, tại nhiều trạm xăng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra tình trạng người và xe cộ, phương tiện ùn ùn kéo tới đổ xăng. Những cây xăng lớn trên đường Thái Thịnh, Nam Đồng, Lê Văn Lương, Cầu Giấy… xuất hiện cảnh ô tô, xe máy xếp hàng dài. Đến 20 giờ, tại nhiều cây xăng vẫn còn xảy ra cảnh ùn ứ, chen chúc, chờ đợi.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam… cũng xảy ra cảnh tương tự. Nhiều người dân còn xách theo can nhựa ra đổ dự trữ 10-20 lít/can để phòng giá xăng, dầu có thể tăng sốc vào chiều 11-3. Tại Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh), Phủ Lý (Hà Nam)… xuất hiện một số cây xăng đóng cửa, treo biển hết xăng hoặc báo lý do “mất điện” nên không bán.
ĐBSCL: Người dân ồ ạt trữ xăng
Ngày 10-3, Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, trước thông tin cho rằng giá xăng dầu “rục rịch” tăng, một số cửa hàng xăng dầu tư nhân đã đóng cửa. Ngay sau đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra tình hình buôn bán xăng dầu trên địa bàn, đề nghị hoạt động bình thường trở lại.
Cụ thể, một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở TP Tân An trên quốc lộ 62 khi đóng cửa đều có đơn gửi cơ quan chức năng với những lý do khác nhau như cửa hàng hết xăng, đã đặt hàng nhưng nhà cung cấp chưa có xăng giao; một lý do nữa là cả gia đình mắc Covid-19 có giấy xác nhận của y tế địa phương hoặc không tuyển được lao động… Qua kiểm tra thực tế các cửa hàng có hiện tượng hết xăng dầu. Tuy nhiên, khi ngành chức năng làm việc thì một số cửa hàng đã đề nghị đại lý sớm giao xăng dầu và mở bán trở lại.
Cảnh chen chúc tại cây xăng Thái Thịnh (Hà Nội) tối 10-3. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Cũng theo Sở Công thương tỉnh Long An, do lo lắng giá xăng dầu tăng nên một số người dân mua xăng dầu về trữ. Một số cửa hàng thực hiện bán định mức đối với những trường hợp người dân mua quá nhiều.
Tại huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng có một số người dân chở nhiều can nhựa đi mua xăng dầu bởi lo ngại việc tăng giá…
Xử lý nghiêm vi phạm
Anh H., chủ chuỗi cửa hàng xăng dầu BT cho biết, hiện tại vẫn có hàng bán, nhưng vài ngày tới có thể sẽ dừng một số trụ tại các cửa hàng. Nguyên nhân, hiện phía doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chỉ bán cho chuỗi cửa hàng anh H. với điều kiện mỗi lít ngang bằng giá bán lẻ (chiết khấu 0 đồng). “Nếu chiết khấu 0 đồng, chúng tôi đã lỗ tiền chuyên chở, nhân viên, mặt bằng. Giờ họ bảo phải chi thêm 3.000 đồng/lít, chúng tôi lỗ quá lớn, nên buộc phải dừng bán”, anh H. nói. Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp xăng dầu lớn thuộc quản lý nhà nước như Saigon Petro, Petrolimex, Satra… cho hay, đến thời điểm này, các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, không thiếu xăng dầu. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu không dồi dào như trước đây.
Trưa 10-3, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM xác nhận, qua kiểm tra, có tình trạng thiếu cục bộ mặt hàng xăng RON 95 tại một vài cửa hàng và đang chờ nguồn cung. “Hiện thanh tra sở tiếp tục kiểm tra, làm việc với các đơn vị cung ứng xăng dầu để đảm bảo việc cung cấp xăng cho các cửa hàng”, đại diện Sở Công thương thông tin.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, cho biết, qua kiểm tra tại các cửa hàng xăng dầu có phát hiện việc thiếu xăng cục bộ tại một vài điểm bán trong thời gian ngắn. Đại diện một số cửa hàng xăng thừa nhận, nguồn xăng bị thiếu hụt nên xảy ra gián đoạn tạm thời.
Trước đó, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và Tổng cục QLTT trong việc góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT TPHCM đã ban hành khẩn văn bản tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM. Các Đội QLTT đảm bảo quản lý và nắm tình hình địa bàn; tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, hàng tiêu dùng thiết yếu… Bên cạnh đó, Cục QLTT TPHCM công bố thông tin đường dây nóng của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố (028.39322491), Cục QLTT thành phố (028.39321014) và các Đội QLTT để tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng phản ánh thông tin.
Theo Văn phòng Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản yêu cầu xử lý nghiêm, có thể rút giấy phép với những cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, đóng cửa không bán cho người tiêu dùng.
Theo các doanh nghiệp đầu mối tại TPHCM, giá xăng nhập khẩu tăng quá cao khiến giá xăng tại kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng đột biến, kéo giá xăng trong nước vượt mức 30.000 đồng/lít. Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức 125,68 USD/thùng với dầu WTI và dầu Brent là 130,53 USD/thùng. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu cũng đã tăng lên mức 142-158 USD/thùng (đầu tháng 3), tăng 51-69 USD/thùng so với giá đầu tháng 1-2022. Diễn biến của mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới hiện nay sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng, dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít. |
----------------------
Giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng
Chiều tối 10-3, Bộ Tài chính có thông tin báo chí về việc đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Dự thảo này được đưa ra trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công thương về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Bộ Tài chính đồng tình với đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít; đồng thời đề nghị bắt đầu thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2022. Tuy nhiên, đề xuất này còn chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Theo Bộ Tài chính, với đề xuất này, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.
Đình chỉ hoạt động cây xăng bán xăng có lẫn nước
Ngày 10-3, liên quan việc cây xăng Bình Xuyên (ở xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, Hải Dương) bán xăng có lẫn nước cho người dân, đơn vị chức năng huyện Bình Xuyên đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu chủ cơ sở ngừng kinh doanh để xác minh làm rõ. Theo Thượng tá Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Bình Giang, nguyên nhân ban đầu theo nhận định là do lỗi kỹ thuật trong thiết kế bể chứa xăng. Đường ống dẫn thoát hơi làm không đúng quy chuẩn dẫn đến nước rò rỉ vào bồn chứa xăng. Về nguồn xăng cơ bản đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, đại diện Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã cử cán bộ của Phòng Thương mại phối hợp với Đội Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã niêm phong, ra quyết định đình chỉ hoạt động cây xăng Bình Xuyên để xử lý.
Trước đó, vào sáng 9-3, nhiều người đã tới mua xăng tại cây xăng Bình Xuyên nhưng sau khi đổ xăng, xe không nổ được máy và khi kiểm tra bình xăng phát hiện có nước lẫn với xăng.