So với trước, những nội dung quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có sự thông thoáng hơn về hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài) trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam và sát hơn với thông lệ quốc tế.
Theo đại diện Bộ Tài chính, để thực hiện đúng theo cam kết quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này Việt Nam đã bổ sung quy định không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài, mà nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng đã bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có những quy định mang tính đổi mới, sát với các thông lệ quốc tế
Luật cũng quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc), bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài…
Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có những quy định mang tính đổi mới, sát với các thông lệ quốc tế. Nếu như trước đây luật này quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư lĩnh vực gì thì giờ đây đã được thay thế bằng quy định doanh nghiệp không được làm gì, còn lại những gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép chủ động thực hiện.
Một điểm đáng chú ý nữa của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này là bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được trực tiếp đầu tư kinh doanh bất động sản bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro và không đúng với mục đích, bởi vốn của doanh nghiệp bảo hiểm là do phí của người tham gia bảo hiểm góp vào.
Thay vào đó, Luật cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Doanh nghiệp cũng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.
Đồng thời, doanh nghiệp vẫn được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hoặc nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.