Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng đi qua 'đêm tối'

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh các bộ luật liên quan đến đầu tư nhà, đất, như Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, được kỳ vọng giúp thị trường BĐS sẽ bước qua “vùng trũng” khó khăn để phát triển.

Tuyến metro số 1.
Tuyến metro số 1.

“Nốt trầm” của thị trường BĐS

Báo Xuân là dịp để các đại gia trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tham gia quảng cáo. Việc quảng cáo trên báo Xuân nhằm khẳng định vị thế doanh nghiệp trên thị trường, giới thiệu sản phẩm mới của doanh nghiệp sẽ “trình làng” trong năm mới.

Quảng cáo báo Xuân cũng là dịp để doanh nghiệp “đối ngoại” với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, để làm được điều này, tức để quảng cáo, giới thiệu mình trên báo Xuân, doanh nghiệp phải có ngân sách.

Vào những năm thị trường BĐS, chứng khoán sôi động, trên các ấn phẩm Xuân của các báo trong cả nước, có thể nói các doanh nghiệp BĐS chiếm tỷ lệ áp đảo. Và thường những vị trí “đắc địa” của ấn phẩm đều được giành chỗ cho doanh nghiệp BĐS.

Tuy nhiên từ 5 năm trở lại đây, theo quan sát của người viết, các trang quảng cáo liên quan đến BĐS trên các ấn phẩm Xuân thưa dần. Đỉnh điểm là Xuân Giáp Thìn, “điểm danh” một loạt ấn phẩm Xuân của các báo, từ báo chính trị-xã hội đến báo chuyên ngành, cho thấy các trang quảng cáo liên quan đến BĐS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số doanh nghiệp những năm trước luôn chiếm giữ các vị trí đắc địa nay vắng bóng, như N., H., P., K., F…

Một anh bạn đồng nghiệp chia sẻ: “Mấy cái Tết trước, một số doanh nghiệp tham gia quảng cáo báo Xuân, nhưng đến giờ này họ vẫn chưa thanh toán nên năm nay báo Xuân cơ quan tôi không mời nữa. Nếu mời có thể họ vẫn tham gia, nhưng với tìnhh hình khó khăn chung, tiền trả cho quảng cáo vẫn khó đòi, biến thành nợ xấu”. Sự ảm đạm của thị trường BĐS còn thể hiện qua các sự kiện bán hàng, khai trương, động thổ trong suốt năm 2023 hầu như không diễn ra.

Bước qua “điểm đen”?

Có thể nói, chưa năm nào như năm 2023 khi Chính phủ, các bộ ngành có nhiều nghị định, thông tư… được ban hành, với mục đích tháo gỡ những bất cập liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh BĐS.

Thị trường BĐS từ cuối năm 2022 chồng chất những khó khăn, vướng mắc từ pháp lý dự án tới nguồn vốn trái phiếu, vốn vay ngân hàng... Để tháo gỡ các điểm nghẽn này, trong năm 2023 Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo, quyết sách kịp thời nhằm vực dậy thị trường.

Đơn cử, trong tháng 3-2023 Nghị định 08 của Chính phủ được ban hành, bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố, có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản.

Quy định này là cơ sở để doanh nghiệp có thể giãn, hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác như BĐS.

Khó khăn của BĐS đã chạm đáy và thị trường 2024 sẽ có sức bật trở lại, tuy không bùng nổ nhưng sẽ dần đi vào ổn định và là khởi đầu cho chu kỳ mới phát triển trong nhiều năm tiếp theo.

Hay cũng trong tháng 3-2023, Nghị định 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chưa hết, trong lúc thị trường có sự lệch pha về nguồn cung, nhà ở cao cấp áp đảo trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp gần như "tuyệt chủng", Chính phủ cũng kịp ban hành Quyết định 338 phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, trong năm 2023, 3 dự án luật gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Nhiều chuyên gia BĐS đã bày tỏ sự tin tưởng các yếu tố về chính sách và pháp lý đang trong lộ trình sửa đổi và thông qua, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, sẽ góp phần giúp cải thiện niềm tin, để thị trường BĐS phục hồi trong năm 2024.

Bước vào năm 2024, những thông tin tích cực hơn cho thị trường BĐS đến ngay trong tháng đầu tiên. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1-2024 cả nước có 342 doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp BĐS quay lại hoạt động 645 doanh nghiệp, bằng 129,3% so với cùng kỳ 2023.

Trước đó, về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết tính đến ngày 20-1-2024, ngành kinh doanh BĐS dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới là khu đô thị mới ở Hà Nội, với tổng vốn hơn 662 triệu USD. Trước đó, trong năm 2023 ngành kinh doanh BĐS chỉ đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài ra, tính đến cuối quý III-2023, 67 dự án tại TPHCM đã được tháo gỡ (tương đương 37,2% trong số 180 dự án cần tháo gỡ ban đầu). Con số dự án được tháo gỡ ấn tượng hơn tại Hà Nội với 419 dự án được tháo gỡ (tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu).

Cùng với đó, trong quý IV-2023, hàng loạt dự án lớn tại khu vực phía Nam tiếp tục được tháo gỡ, bao gồm Aqua City, Nova World Phan Thiết (NVL), Gem Sky World (DXG)... Điều này giúp tâm lý thị trường BĐS cải thiện, giao dịch phục hồi, biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp BĐS sẽ có sự phục hồi trong các quý tới.

Với những dấu hiệu chuyển biến này trong năm 2023, dù vẫn còn nhiều khó khăn được dự báo, song thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ hồi phục dần trong năm 2024.

Các tin khác